Home » , » CỎ NGỌT-Stevia rebaudiana (Bertoni.)Hemsley., họ Cúc - Asteraceae

CỎ NGỌT-Stevia rebaudiana (Bertoni.)Hemsley., họ Cúc - Asteraceae

Đăng bởi Thai Nguyen on Friday, February 10, 2012 | 2:26 AM

CỎ NGỌT
Herba Steviae
            Dược liệu là bộ phận trên mặt đất phơi khô của cây cỏ ngọt - Stevia rebaudiana (Bertoni.)Hemsley., họ Cúc - Asteraceae.
Đặc điểm thực vật
            Cây thuộc thảo cao 40-80cm um tùm nhiều lá nhiều cành. Thân có tiết diện tròn, có rãnh dọc với nhiều lông mịn, phần gốc nâu, phía trên xanh. Lá hình 4-8 cm chiều dài, 0,8-1,5 cm chiều rộng, mặt lá nhiều lông tơ mịn. Lá mọc đối, ở nách lá mọc lên chồi khác. Lá có 3 gân nổi rõ, các gân phụ hình lông chim, mép lá có răng cưa, có vị rất ngọt. Hoa đầu mọc ở kẽ lá, tụ thành chùm ở ngọn. Mỗi hoa đầu có 5 hoa hình ống màu vàng nhạt, 5 chỉ nhị dài bằng nhau dính trên ống tràng. Cây thích nghi với khí hậu nóng ẩm, cần nhiều ánh sáng, đất có pH 4-5. Không mọc nơi đất bùn sình lầy. Ta đã nhập giống của nước ngoài trồng để lấy lá hoặc chế biến thành cao để xuất khẩu.
Đặc điểm vi phẫu và bột:
            Trên vi phẫu và bột đặc điểm nổi bật là nhiều lông che chở đa bào một dãy, ngoài những lông thẳng còn có những lông hình móc câu rất đặc biệt. Các lông thường có những eo thắt ở gần đầu.
Thành phần hoá học:
            Nhiều công trình đã nghiên cứu chất ngọt của cây từ đầu thế kỷ thứ XX. Rasenack thu được chất kết tinh vào năm 1908. Bridel và Lavielle (1931) chứng minh chất ngọt là một heterosid tan trong nước và có vị ngọt gấp hơn 200 lần đường mía và đặt tên là steviosid (thay vì eupatorin vì không phải chi Eupatoria như trước đã xác định). Từ 1952 đến 1963 nhiều công trình đóng góp vào nghiên cứu cấu trúc của steviosid. Đây là một diterpenoid glycosid khi thủy phân bằng enzym thì cho aglycon thật là steviol. Nếu thủy phân bằng acid sulfuric loãng thì thu được isosteviol. Phần đường có 2 mạch: một mạch là sophorose [=2-O(b-D-gluco-pyranosyl)-D-glucose ] nối theo dây nối acetal với nhóm OH ở C-13 và mạch còn lại là một glucopyranose nối theo dây nối ester với nhóm carboxyl ở vị trí C-19.
Từ năm 1970 đến nay, nhiều dẫn chất diterpenoid glycosid khác được phân lập tiếp và đã được xác định cấu trúc (xem bảng, thay R1 và R2 vào A):

R1
R2
Steviosid
-b-glc
-b-glc2-b glc
Steviolbiosid
-H
-b-glc2-b glc
Rebaudiosid A
-b-glc
-b-glc2-b glc
          ­3
     -b-glc
Rebaudiosid B
-H
-b-glc2 b glc
          ­3
     -b-glc
Rebaudiosid C
(Dulcosid)
-b-glc
-b-glc2-a rha
          ­3
     -b-glc
Rebaudiosid D
-b-glc2-b glc
-b-glc2- b glc
          ­3
     -b-glc
Rebaudiosid E
-b-glc2-b glc
-b-glc2-b glc
Dulcosid A
-b-glc
-b-glc2-a rha
            Ngoài những diterpenoid glycosid trên trong cỏ ngọt còn có một số dẫn chất diterpenoid khác, triterpenoid, sterol, tanin, tinh dầu.
            Hàm lượng steviosid trong cỏ ngọt thay đổi tùy theo địa dư, khí hậu, giống, thời gian thu hoạch, dao động từ 3-20%. Sau steviosid là rebaudiosid A, hàm lượng cũng thay đổi và bằng 1/4 đến 1/2 của steviosid.
Định tính và định lượng:
            Phương pháp định tính tốt nhất là dùng sắc ký lớp mỏng với chất hấp phụ là silicagel G, dung môi khai triền là n-BuOH bão hoà nước hoặc EtOAc-AcOH (16:5), hiện màu bằng hơi Iod, hoặc phun vanilin 1% trong cồn (cứ 1 ml dung dịch vanilin thêm 1 giọt H2SO4 đđ), sấy 110oC trong 10 phút.
            Để định lượng có thể dùng thuốc thử Carr-Price để đo màu hoặc dùng sắc ký khí-lỏng sau khi chuyển steviosid thành methyl ester của steviol hoặc isosteviol. Có tác giả thì dùng  sắc ký lỏng cao áp. Bộ môn Dược liệu đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh đánh giá chất lượng của một số chế phẩm của cỏ ngọt bằng phương pháp tìm độ pha loãng đầu tiên có vị ngọt rồi so sánh với đường saccharose.
Công dụng:
            Cao cỏ ngọt hoặc steviosid đã được sử dụng rộng rãi làm chất ngọt trong bánh kẹo, nước giải khát.
            Người bị bệnh tiểu đường và người bị mập phì có thể dùng chế phẩm của cỏ ngọt để thay thế đường.
            Mặc dù có tài liệu nói rằng cỏ ngọt có tác dụng ngăn sự thụ tinh trên chuột đực và cái nhưng nhiều nhà nghiên cứu khác không xác nhận điều này. Nhiều thử nghiệm cho thấy cỏ ngọt không gây biến dị gen nhưng có tài liệu cho thấy sản phẩm chuyển hoá của steviol thì có gây biến dị. Điều này hiện đang còn tiếp tục nghiên cứu để xác minh.
            Cao cỏ ngọt và steviosid được dùng rộng rãi làm chất ngọt ở Nhật và một số nước khác, chỉ riêng ở Nhật mỗi năm tiêu thụ đến 700 tấn cỏ ngọt và không thấy có phản ứng độc hại nào.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
Chia sẻ bài viết này cho bạn bè :

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Support : Hotline: 0972.874.772 | Dược liệu | Free logos design| Free Vectors
Copyright © 2013. Dược liệu - All Rights Reserved
Thiết kế bởiTNT Chia sẻ Thái Nguyễn
Nền tảng phát triển Blogger