Home » , » CAM THẢO ĐẤT

CAM THẢO ĐẤT

Đăng bởi Thai Nguyen on Saturday, October 1, 2011 | 4:11 AM

CAM THẢO ĐẤT
Herba Scopariae dulcis

Cây Cam thảo đất

Tên khác: Dã cam thảo, Cam thảo nam.
Tên khoa học: Scoparia dulcis L., họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).
Mô tả: Cây thảo mọc thẳng đứng, cao 30-80cm, có thân nhẵn hoá gỗ ở gốc và rễ to hình trụ. Lá đơn mọc đối hay mọc vòng ba lá một, phiến lá hình mác hay hình trứng có ít răng cưa ở nửa trên, không lông. Hoa nhỏ, màu trắng, mọc riêng lẻ hay thành từng đôi ở nách lá. Quả nang nhỏ chứa nhiều hạt. Ra hoa quả vào tháng 5-7.
Bộ phận dùng: Toàn cây (Herba Scopariae dulcis).
Phân bố: Loài liên nhiệt đới mọc khắp nơi ở đất hoang ven các đường đi, bờ ruộng.
Thu hái: Vào mùa xuân hè, thu hái toàn cây rửa sạch, thái nhỏ dùng tươi hoặc phơi hay sấy khô để dùng dần.
Tác dụng dược lý: Amellin trong cây là một chất chống bệnh đái đường, dùng uống làm giảm đường - huyết và các triệu chứng của bệnh đái đường và tăng hồng cầu. Nó cũng ngăn cản sự tiêu hao mô và dẫn đến sự tiêu thụ tốt hơn protein trong chế độ ăn, làm giảm mỡ trong mô mỡ và thúc đẩy quá trình hàn liền vết thương.
Thành phần hóa học: Cây chứa một alcaloid và một chất đắng; còn có nhiều acid silicic và một hoạt chất gọi là amellin. Phần cây trên mặt đất chứa một chất dầu sền sệt, mà trong thành phần có dulciol, scopariol, (+) manitol, glucose. Rễ chứa (+) manitol, tanin, alcaloid, một hợp chất triterpen. Vỏ rễ chứa hexcoxinol, b-sitosterol và (+) manitol.
Công năng: Kiện tỳ, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc và lợi tiểu.
Công dụng: Thường dùng trị: 1. Cảm cúm, sốt, nóng nhiều, ho khan, ho có đờm; 2. Lỵ trực tràng; 3. Tê phù, phù thũng, giảm niệu. Để tươi chữa ho khan; sao thơm chữa ho đờm và tiêu sưng. Dùng ngoài, ép lấy dịch từ cây tươi trị mụn nhọt, lở ngứa, eczema.
Nước hãm lá Cam thảo đất dùng làm thuốc súc miệng và ngậm chữa đau răng. Hoạt chất amellin dùng điều trị bệnh đái đường, thiếu máu, albumin niệu, ceton niệu, viêm võng mạc, những biến chứng kèm theo đái đường và làm các vết thương mau lành.
Có thể dùng thay Cam thảo để chữa sốt, say sắn, giải độc cơ thể.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 8-12g khô hoặc 20-40g tươi sắc uống.
Bào chế: Loại bỏ tạp chất, cắt đoạn, vi sao.
Bài thuốc:
1. Lỵ trực trùng: Cam thảo đất, Rau má, lá Rau muống, Địa liền, mỗi vị 30g, sắc uống.
2. Cảm cúm, nóng ho: Cam thảo đất tươi 30g, Diếp cá 15g, Bạc hà 9g, sắc uống. Có thể phối hợp với Rau má, Cỏ tranh, Sài hồ nam, Mạn kinh, Kim ngân, Kinh giới.
3. Mụn nhọt: Cam thảo đất 20 g, kim ngân hoa 20 g, sài đất 20 g. Sắc uống ngày một thang.
4. Dị ứng, mề đay: Cam thảo đất 15 g, ké đầu ngựa 20 g, kim ngân hoa 20 g, lá mã đề 10 g. Sắc uống ngày một thang.
5. Sốt phát ban: Cam thảo đất 15 g, cỏ nhọ nồi 15 g, sài đất 15 g, củ sắn dây 20 g, lá trắc bá 12 g. Sắc uống ngày một thang.
6. Tiểu tiện không lợi: Cam thảo đất 15 g, hạt mã đề 12 g, râu ngô 12 g. Sắc uống ngày một thang.
7. Ho: Cam thảo đất 15 g, lá bồng bồng 10 g, vỏ rễ cây dâu 15 g. Sắc uống ngày một thang.
8. Lỵ: Cam thảo đất 15 g, lá mơ lông 15 g, cỏ seo gà 20 g. Sắc uống ngày một thang.

Chia sẻ bài viết này cho bạn bè :

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Support : Hotline: 0972.874.772 | Dược liệu | Free logos design| Free Vectors
Copyright © 2013. Dược liệu - All Rights Reserved
Thiết kế bởiTNT Chia sẻ Thái Nguyễn
Nền tảng phát triển Blogger