Home » , » VIỄN CHÍ - Polygala sibirica

VIỄN CHÍ - Polygala sibirica

Đăng bởi Thai Nguyen on Monday, January 30, 2012 | 5:18 AM


VIỄN CHÍ

Radix Polygalae

Viễn chí là rễ phơi khô của một số loài thuộc chi Polygala. Dược điển Việt Nam in lần thứ nhất và Dược điển Trung Quốc quy định hai loài: Viễn chí lá nhỏ - Polygala tenuifolia Willd. hoặc viễn chí Sibêri - Polygala sibirica L. , Dược điển nhiều nước khác thì qui định loài Polygala senega L., họ Viễn chí - Polygalaceae.

Đặc điểm thực vật và phân bố

Viễn chí thuộc loài cây nhỏ, sống dai. Từ gốc mọc lên nhiều thân nhỏ. Thân loài viễn chí lá nhỏ nhẵn còn loài Sibêri thì có lông tơ ngắn. Lá mọc so le, không cuống. Loài viễn chí lá nhỏ phiến lá hẹp, nhọn còn loài Sibêri phiến rộng hơn, hình mác. Cụm hoa chùm. Đài không đều còn lại trên quả, 5 lá đài có hai lá bên phát trễn thành cánh; 3 cánh hoa màu xanh dính lại thành ống không đều; 8 nhị dính liền thành 1 bó. Bầu trên, 2 ô. Quả nang.
Loài viễn chí lá nhỏ mọc ở đông Sibêri, xung quanh hồ Baican, loài Sibêri có ở vùng Sibêri và một số vùng khác như Ucraina, Capca. Ở Trung Quốc loài Sibêri có ở cả miền Nam và Bắc, loài viễn chí lá nhỏ có ở miền đông bắc và bắc. Hiện nay ta vẫn nhập viễn chí của Trung Quốc.


Bộ phận dùng
Rễ hình trụ hơi cong queo dài 10-15cm, đường kính 0,3-0,8 cm. Mặt ngoài màu xám nâu nhạt, có những nếp nhăn ngang và dọc. Lớp vỏ dày dễ tách khỏi lớp gỗ. Lớp vỏ màu nâu nhạt, lớp gỗ màu ngà vàng. Vị đắng nồng. Loại “Viễn chí nhục” là loại Viễn chí đã rút bỏ lớp gỗ.

Thành phần hóa học
Rễ của 3 loài trên đều chứa Saponin.
Saponin của viễn chí thuộc loại Saponin triterpenoid nhóm olean. Các thành phần trước đây xác định có trong một số loài viễn chí như: segenin (= acid tenuifolic), acid segenic, hydroxysegenic đều là những chất giả tạo. Chất saponin thật được xác định lại là presegenin. Một monosid của presenegin là prosenegin (=tenuifolin) cũng được xác định từ viễn chí lá nhỏ.
Segenin (giả tạo)
Presenegin R= H đ.c 310-1o [a ]D = 91o (cồn ethylic)
Prosenegin R = glc
Trong viễn chí lá nhỏ còn có chất kiềm hữu cơ là tenuidin và một đường là polygalitol (= 1,5 anhydrosorbitol). Từ dịch chiết ether người ta đã tách thêm được 3 dẫn chất xanthon: 1,2,3,7- tetramethoxyxanthol (I). 1,2,3,6,7- pentamethoxy-xanthon (II). 6 - hydroxy1,2,3,7 - tetramethoxyxanthol (III) và dẫn chất 3,4,5 - trimethoxycinnamic acid (IV).

I. R1= H, R2= OMe
II. R1= R2 = OMe
III. R1=OH, R2= OMe
Từ rễ loài senega Brieskorn và cộng sự đã phân lập và xác định 8 saponin có alycon là presenegin và tỉ lệ giữa các đường glucose, galactose, xylose, fucose và rhamnose là 3,1,2,1,1; 2,1,1,1,1; 2,1,1,1,1; 3,1,1-; 3,-1,1,1; 3,1,1,1,2; 1,1,1,1,1; 3,1,6,-,1. Năm 1971 Shoji và cộng sự xác định cấu trúc của 3 saponin:
Vi phẫu
Lớp bần cấu tạo bởi trên 10 hàng tế bào. Mô mềm vỏ khá dày, tế bào chứa nhiều giọt dầu, đôi khi có tinh thể calci oxalat. Trong mô mềm đôi khi có những chỗ rách nằm ngang. Liber gồm những tế bào nhỏ; ở gần tượng tầng có nhiều chỗ rách. Tầng phát sinh không rõ. Gỗ cấu tạo bởi mạch gỗ, sợi gỗ và mô mềm gỗ. Tia ruột gồm 1-3 hàng tế bào. Rễ viễn chí lá nhỏ thường có cấu tạo đặc biệt: gỗ không thành vòng đều đặn mà bị mô mềm cắt thành từng đoạn.

Bột
Màu vàng nâu nhạt có những mảnh bần màu nâu nhạt. Rất nhiều mảnh mô mềm có chứa giọt dầu và tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Mảnh mạch thường kèm theo sợi gỗ.

Tác dụng
Uống với liều thích hợp saponin có trong dược liệu sẽ kích thích sự bài tiết niêm dịch ở khí quản, có tác dụng chữa ho, long đờm, kích thích sự bài tiết nước bọt, bài tiết các tuyến ở da và thông tiểu. Viễn chí có tác dụng tiêu viêm ngoài ra còn có tác dụng an thần, nâng cao trí lực.

Công dụng và dạng dùng
- Thuốc chữa ho. Liều dùng mỗi lần 2 gam, ngày 6 gam dưới dạng thuốc sắc. Nếu cao lỏng thì dùng mỗi ngày 3 lần mỗi lần 0,5-2ml.
Có thể chế dưới dạng siro: Rễ viễn chí tán nhỏ 10g, nước cất 150ml.


Hãm viễn chí với nước sôi trong 8 giờ. Gạn, lọc rồi thêm đường theo tỉ lệ siro pha nguội.
Trong y học cổ truyền, viễn chí được chế biến dưới hai dạng:
  1. Chích viễn chí là viễn chí đã được đun với nước cam thảo đến cạn rồi phơi khô (1kg viễn chí cần 60 g cam thảo).
  2. Mật viễn chí là viễn chí đã được sao với mật ong (1 kg viễn chí cần 200g mật ong).
- Ngoài công dụng chữa ho, trong y học dân tộc cổ truyền còn sử dụng viễn chí phối hợp với các vị thuốc khác để điều trị thần kinh suy nhược, hay quên, sợ hãi.
4 4 methoxycinnamic acid


Chú thích: theo tài liệu thì nước ta có nhiều loại viễn chí nhưng hầu như ít được sử dụng:
- P. cardiocarpa Kurz (viễn chí quả hình tim) có mọc ở Côn đảo, Bà rịa, Biên hòa.
- P. tonkinensis Chodat (viễn chí miền Bắc) có mọc ở Ba vì, Ninh bình.
- P. brachystachya D.C. (viễn chí bông ngắn) có ở Ninh Bình.
- P. glometara Lour. (viễn chí hình cầu) có mọc ở cả hai miền Bắc và Nam Việt Nam.
- P. aurata Gagnep. var. macrostachya Gagnep. (viễn chí vàng bông to) có ở Ninh Bình.
- P. japonica Houtt. (viễn chí Nhật bản) có ở Bắc thái, Thanh hóa.

www.duoclieu.org
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
Chia sẻ bài viết này cho bạn bè :

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Support : Hotline: 0972.874.772 | Dược liệu | Free logos design| Free Vectors
Copyright © 2013. Dược liệu - All Rights Reserved
Thiết kế bởiTNT Chia sẻ Thái Nguyễn
Nền tảng phát triển Blogger