CÁT CÁNH
Radix Platycodi.
Dược liệu là rễ của cây cát cánh - Platycodon grandiflorum (Jacq.) A. DC, họ Hoa chuông - Campanulaceae.
Đặc điểm thực vật và phân bố
Cây thảo sống dai. Thân cao 50-80 cm. Lá gần như không cuống mọc đối hoặc vòng 3-4 chiếc, phiến lá hình trứng dài 3-6 cm rộng 1-2,5 cm, mép có răng cưa to. Lá phía ngọn nhỏ, có khi mọc so le. Hoa mọc riêng lẻ hoặc thành chùm thưa. Đài màu xanh hình chuông rộng. Tràng hình chuông màu lơ nhạt. Quả hình trứng ngược. Mọc hoang và trồng ở Trung Quốc, Liên xô cũ. Năm 1960 bộ môn dược liệu trường đại học dược khoa Hà nội đã nhập hạt giống của nước ngoài thấy cây mọc tốt, thích nghi đươc với khí hậu của nước ta nhưng chưa trồng ở quy mô lớn. Hiện nay ta còn phải nhập.
Bộ phận dùng
Rễ củ đào vào thu đông ở những cây đã được 3-4 năm, rửa sạch đất cát phơi hay sấy khô. Rễ hình trụ, phía dưới thon nhỏ lại, dài 15-20 cm đường kính 1-2 cm, thường ít phân nhánh. Phía trên còn sót lại gốc của thân. Mặt ngoài màu trắng ngà có những vết nhăn ngang, dọc và vết sẹo của rễ con. Vết bẻ không phẳng, màu trắng. Vị hơi ngọt, sau đắng. Loại rễ to, dài, đều, chắc, màu trắng vị đắng là tốt.
Vi phẩu
Mô mềm vỏ hơi hẹp, có những chỗ rách, rải rác có đám ống nhựa mủ. Liber chiếm phần lớn, cũng có các đám ống nhựa mủ rải rác. Tầng sinh gỗ thành vòng liên tục. Gỗ nối tiếp liber vào tận giữa. Tia ruột rộng gồm 4-5 hàng tế bào. Nếu dược liệu đem ngâm cồn một thời gian rồi cắt soi thì thấy trong tế bào mô mềm có tinh thể inulin.
Bột:
Bột màu trắng ngà. Soi kính hiển vi thấy các mảnh mô mềm với các ống nhựa mủ. Mảnh mạch, đôi khi có mạch vòng.
Thành phần hóa học
Hoạt chất chính là các saponin triterpenoid nhóm olean. Sau khi thủy phân đã thu được các sapogenin: acid platycogenic A,B,C,platycodigenin và acid polygalasic. Vì trong phân tử có OH- ở C-16 nên các saponin của cát cánh có tính phá huyết mạnh.
Ngoài ra trong rễ cát cánh còn có inulin.
Định tính
Ap dụng các phương pháp định tính đối với saponin như đã trình bày ở phần đại cương. Ngoài ra vì trong cát cánh có inulin nên có thể dùng thuốc thử a - naphtol + acid sulfuric.
Định lượng
Tác dụng
Công dụng
Sapogenin | R1 | R2 | R3 | |
Acid platycogenic A Acid platycogenic B Acid platycogenic C Platycodigenin Acid polygalasic | CH2OH CH3 CH3 CH2OH CH2OH | COOH COOH CH3 CH2OH CH3 | a OH b OH b OH a OH a OH |
Tiến hành bằng cách đặt một ít bột dược liệu trên khay sứ, thêm một giọt dung dịch a - naphtol 15% trong cồn ethylic và một giọt acid sulfuric đđ sẽ xuất hiện màu tía.
Định lượng
Dược điển Trung quốc quy định hàm lượng saponin trong rễ cát cánh không dưới 6%, định luợng bằng phương pháp chiết rồi cân, nguyên tắc như sau: Chiết kiệt saponin trong 4 g dược liệu với dụng cụ Soxhlet và dung môi là methanol. Làm đậm đặc dịch chiết còn 15-20ml, để nguội rồi thêm ether (50ml) để tủa saponin. Tủa lại được hòa tan trong 20, 10,5ml methanol rồi lập lại như trên (mục đích để tinh chế). Cuối cùng tủa lần hai được hòa tan trong methanol, bốc hơi trên nồi cách thủy rồi cân.
Tác dụng
Saponin của Cát cánh có tác dụng phá huyết mạnh, có tác dụng long đờm và tiêu đờm, làm hạ cholesterol máu. Dược liệu còn có tác dụng hạ đường huyết, làm dịu thần kinh và giảm sốt. Có trường hợp bệnh nhân bị nôn sau khi uống thuốc. Cần thận trọng trong trường hơp bệnh nhân bị loét dạ dày, ruột.
Công dụng
Cát cánh được sử dụng trong điều trị ho có đờm, viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn, cao lipid huyết, cao huyết áp, tiểu đường, kháng viêm, suy giảm miễn dịch.
Trong y học cổ truyền có đơn thuốc của Trọng cảnh: Cát cánh 4g, Cam thảo 8g, nước 600 ml sắc còn 200 ml chia làm 3 lần uống trong ngày.
Chú ý rằng có trường hợp bệnh nhân bị nôn sau khi uống thuốc. Cần thận trọng trong trường hợp bệnh nhân bị loét dạ dày, ruột.
www.duoclieu.org
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
0 nhận xét:
Post a Comment