1. Khái niệm cao thuốc
Những chế phẩm điều chế bằng cách chiết xuất dược liệu ở một kích thước tiểu phân nhất định với dung môi chiết thích hợp được gọi chung là cao thuốc. Đó là những chế phẩm có thể chất lỏng (cao lỏng, cồn thuốc), bán rắn (cao mềm) hay rắn (cao khô).
Nếu dung môi chiết xuất là ethanol và dịch chiết thu được không qua giai đoạn bốc hơi dung môi, chế phẩm thu được gọi là cồn thuốc.
Cao thuốc có thể là dạng bào chế hoàn chỉnh, được sử dụng trực tiếp (thuốc sắc, thuốc hãm, cao lỏng) nhưng thông thường, đó là những sản phẩm trung gian dùng bào chế các dạng thuốc khác (ví dụ sirô, viên tròn, viên nén, viên nang).
Cao thuốc thường được loại bớt một phần tạp chất trong quá trình điều chế. Tỉ lệ hoạt chất trong cao thuốc thường cao hơn tỉ lệ hoạt chất trong dược liệu. Riêng cao lỏng thì tỉ lệ hoạt chất có thể bằng tỉ lệ hoạt chất có trong dược liệu.
Dược liệu để điều chế cao thuốc có thể là dược liệu thực vật hay động vật, còn tươi hoặc đã sấy khô, được chia nhỏ đến kích thước thích hợp.
Dung môi chiết xuất phải là những dung môi không độc hại, vì thường không loại hết dung môi khỏi cao thuốc. Nếu cao thuốc phải loại hết dung môi (ví dụ cao khô), hoặc sau khi xử lý dịch chiết chỉ còn lại dung môi không độc, thì có thể ưu tiên yếu tố chọn lọc và kinh tế của hỗn hợp dung môi sử dụng.
Dung môi nước và hỗn hợp ethanol - nước được sử dụng phổ biến nhất trong điều chế cao thuốc, đặc biệt khi cao thuốc yêu cầu tan được trong nước.
Các dịch chiết và cao thành phẩm thường chứa nhiều vi sinh vật nhiễm từ nguyên liệu ban đầu (vi khuẩn, nấm mốc, nấm men), nhất là khi nó được điều chế ở nhiệt độ thấp để bảo vệ hoạt chất. Bản thân cao thuốc cũng là môi trường dinh dưỡng thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Vì vậy cần chú ý sử dụng các biện pháp thích hợp để giảm bớt vi sinh vật và bảo quản cao thuốc.
Ngoài ra cao thuốc có thể chứa những tá dược thích hợp nhằm mục đích tăng tính đồng nhất, điều chỉnh thể chất, điều chỉnh hàm lượng hay bảo quản.
0 nhận xét:
Post a Comment