Home » » Kiểm nghiệm vi học-Hương phụ-Cyperus rotundus

Kiểm nghiệm vi học-Hương phụ-Cyperus rotundus

Đăng bởi Thai Nguyen on Sunday, August 12, 2012 | 2:56 AM

2.3.5. Hương phụ

Rhizoma Cyperi

Thân rễ đã loại bỏ rễ con và lông, phơi hay sấy khô của cây Hương phụ vườn (Cyperus rotundus L.), hoặc cây Hương phụ biển (Cyperus stoloniferus Retz.), họ Cói (Cyperaceae).
Mô tả cây
Cỏ sống lâu năm, cao 20 - 30cm. Thân rễ phình lên thành củ ngắn, thịt màu nâu đỏ, thơm. Lá nhỏ hẹp, dài, một gân, có bẹ. Hoa nhỏ, mọc thành hình tán màu nâu đỏ ở ngọn thân. Quả 3 cạnh, màu xám.
Đặc điểm dược liệu
Thân rễ hình thoi dài 1 - 3,5cm, đường kính 0,5 - 1cm, mặt ngoài màu nâu sẫm hay màu đen, có nhiều nếp nhăn dọc và đốt ngang, ở một số đốt có lông cứng màu nâu hay đen và nhiều vết tích của rễ con. Mặt cắt ngang thấy rõ phần vỏ màu hồng nhạt, trụ giữa màu nâu sẫm.
Đặc điểm vi phẫu
Mặt cắt thân rễ gần tròn. Từ ngoài vào trong có: Biểu bì cấu tạo từ một lớp tế bào nhỏ xếp đều đặn. Dưới biểu bì có một số lớp tế bào thành hoá gỗ, trong lớp này rải rác có các sợi hạ bì xếp thành đám, cách quãng đều nhau. Mô mềm vỏ gồm những tế bào thành mỏng xếp lộn xộn, rải rác có các tế bào chứa tinh dầu. Nội bì cấu tạo bởi những tế bào nhỏ xếp nối tiếp thành vòng. Trụ bì gồm một lớp tế bào hình chữ nhật thành mỏng xếp sát nội bì. Mô mềm ruột cấu tạo từ những tế bào tròn, to và có các tế bào chứa tinh dầu. Trong mô mềm vỏ và mô mềm ruột có các bó libe - gỗ. Mỗi bó có các mạch gỗ xếp kế tiếp nhau tạo thành vòng bao bên ngoài và libe ở phía trong, các bó libe - gỗ phân bố chủ yếu ở mô mềm ruột, và rải rác trong mô mềm vỏ.

Hình 2.3.5a: Vi phẫu thân rễ Hương phụ
Hình 2.3.5a: Sơ đồ tổng quát và Vi phẫu chi tiết thân rễ Hương phụ
1. Biểu bì; 2. Đám sợi; 3. Hạ bì; 4. Nhu mô vỏ; 5. Bó libe gỗ ngoài; 6. Nội bì; 7. Trụ bì; 8. Bó libe gỗ trong; 9. Tủy;
Đặc điểm bột dược liệu
Bột màu nâu đến nâu đỏ, mùi thơm, vị hơi đắng, hơi cay. Soi dưới kính hiển vi thấy: Những mảnh mô mềm mang những tế bào có chất tiết màu vàng cam hay các tế bào cứng (2). Hạt tinh bột thường kết thành từng khối (3). Sợi kết thành từng bó (5). Các tế bào tiết được bao quanh bởi các tế bào đặc biệt (3). Các mảnh mạch thường là mạch mạng, mạch vạch (6). Các tế bào cứng hình dạng khác nhau, có thành dày và các ống trao đổi rõ (Hình 2.3.5b).
 Ghi chú
Hương phụ còn được gọi là Củ gấu, Củ gấu biển, Củ gấu vườn, tránh nhầm với vị thuốc Ô đầu cũng có tên gọi Củ gấu.
Hình 2.3.5b. Một số đặc điểm bột Hương phụ
Hình 2.3.5b. Một số đặc điểm bột Hương phụ
1. Tinh bột; 2.Tế bào cứng;
3. Tế bào bài tiết; 4. Mảnh mạch; 5. Sợi; 6. Mảnh mạch
www.duoclieu.org
Chia sẻ bài viết này cho bạn bè :

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Support : Hotline: 0972.874.772 | Dược liệu | Free logos design| Free Vectors
Copyright © 2013. Dược liệu - All Rights Reserved
Thiết kế bởiTNT Chia sẻ Thái Nguyễn
Nền tảng phát triển Blogger