Thu hái dược liệu
Một dược liệu có chất lượng tốt hay xấu chủ yếu do hàm lượng hoạt chất chứa trong dược liệu nhiều hay ít. Hoạt chất của dược liệu thay đổi bởi nhiều yếu tố: trồng trọt, thu hái, phơi sấy, bảo quản. Ở đây chúng ta xem xét vấn đề thu hái. Nếu thu hái đúng nguyên tức thì hàm lượng hoạt chất ta mong muốn có trong dược liệu sẽ đạt được tối đa. Chúng ta cũng cần biết rằng mỗi dược liệu có thể có nhiều hoạt chất khác nhau, hàm lượng của mỗi hoạt chất có thể thay đổi tùy theo mùa, thùy theo chu kỳ phát triển của cây. Nếu ta thu hoạch đúng thời gian (thời gian có thể thay đổi tùy theo khí hậu địa dư của mỗi vùng, có khi xê dịch chút ít tùy theo thời tiết trong năm) thì sẽ thu nhận được dược liệu chứa hoạt chất tối đa. Ví dụ đối với cây bạc hà, hàm lượng tinh dầu cũng như menthol trong tinh dầu đạt tối đa lúc cây băt đầu ra hoa. Tinh dầu ở cây còn non chủ yếu là menthon. Đối với cây canh ki na thì hàm lượng alcaloid trong vỏ cây tăng nhanh theo sự phát triển của cây và đạt tối đa vào năm thứ 7. Hoa hòe hái lúc còn nụ thì hàm lượng rutin cao, khi hoa nở hàm lượng rutin thấp. Có trường hợp thành phần hoạt chất thay đổi theo thời gian, ví dụ cây Duboisia myoporoides ở Queensland khi thu hoạch vào tháng 10 thì chứa 10% hyoscyamin nhưng khi thu hoạch vào tháng 4 thì chứa scopolamin với hàm lượng như trên.
Sau đây là nguyên tắc chung định thời kỳ thu hoạch cho từng bộ phận của cây:
1. Rễ và thân rễ nên thu hoạch vào thời kỳ sinh dưỡng, thường là vào thời kỳ thu đông. Tuy nhiên có trường hợp đặc biệt như rễ bồ công anh cần hái vào giữa mùa hề vì khi ấy chứa nhiều hoạt chất. Có thể đào lúc ẩm ướt vì sau đó vẫn phải rửa sạch đất cát trước khi phơi sấy hoặc chế biến.
2. Vỏ cây thường thu hoạch vào mùa đông, là thời kỳ nhựa cây hoạt động mạnh.
3. Lá và ngọn cây có hoa phải hái vào thời kỳ quang tổng hợp mạnh nhất thường là thời kỳ cây bắt đầu ra hoa, không nên hái khi quả và hạt đã chín.
4. Hoa phải hái lúc trời nắng ráo, trước hoặc đúng vào thời kỳ hoa thụ phấn. Trừ vài trường hợp như nụ hòe, nụ đinh hương.
5. Quả thì cũng tùy loại, hái khi quả đã già như tiểu hồi, sà sàng, có khi hái trước khi quả chín như quả mơ, hồ tiêu. Cũng có trường hợp khi quả còn xanh thì hoạt chất nhiều, khi chín thì hoạt chất rất thấp ví dụ trường hợp cây Conium maniculatum L. chứa alcaloid coniin.
Trên đây là một số nguyên tắc chung, tuy nhiên người làm công tác dược liệu cần chú ý theo dõi sự thay đổi hàm lượng của hoạt chất, định thời gian thu hoạch để đạt được kết quả tốt nhất.
0 nhận xét:
Post a Comment