XẠ HƯƠNG
Moschus
Chất tiết ra trong túi thơm đã khô của các loài Hươu xạ đực trưởng thành: Lâm xạ (Moschus berezovski Flerov), Mã xạ (Moschus sifanicus Przewalski), Nguyên xạ (Moschus moschiferus Linnaeus), họ Hươu (Moschidae).
Về mặt dược liệu, chia ra 2 loại: Túi nguyên vẹn xạ hương (Mao xác xạ hương) và hạt, bột xạ hương (Xạ hương nhân).
Mô tả
Mao xác xạ hương: Túi hình tròn dẹt hay bầu dục, đường kính 3 - 7 cm, dày 2 - 4 cm. Da ở miệng túi màu nâu, hơi phẳng có lông nhỏ, mịn, màu nâu xám hoặc màu trắng mọc dày sít nhau vòng quanh từ 2 phía một cái lỗ nhỏ nằm ở trung tâm. Dưới lông là lớp da mỏng trong có các tuyến và sản phẩm tiết ra là xạ hương. Túi xạ nặng khoảng 15 - 45 g, có khi nặng tới 60 g, 60% là chất xạ hương. Mặt kia, có màng da màu nâu hơi pha màu tía, không có lông, hơi có vết nhăn, sợi cơ có tính đàn hồi. Dùng kéo cắt ra thấy lớp màng da giữa có màu nâu, hoặc nâu xám, trong suốt, lớp màng da trong cùng màu nâu, bên trong có chứa hạt hay bột xạ hương (xạ hương nhân) có lẫn một ít biểu mô bong ra (ngân bì). Chất tương đối mềm, mùi thơm đặc biệt.
Xạ hương nhân của Hươu xạ hoang dã: Chất mềm, có dầu, nhuận, xốp. Dạng hạt bên trong gọi là "Dương môn tử", hình cầu, không đều, đường kính 3 mm. Mặt ngoài màu đen tím, sáng bóng, dầu nhuận, hơi có vân. Mặt bẻ có màu nâu thẫm hay nâu vàng. Dạng bột thường có màu nâu hoặc nâu vàng, có lẫn ít biểu mô bong ra và lông nhỏ.
Xạ hương nhân của Hươu xạ nuôi: Hạt hình dải ngắn hoặc hình khối không đều. Mặt ngoài không phẳng, đen tím hay nâu thẫm, có dầu hơi sáng bóng, có lẫn một ít lông và biểu mô bong ra, hương thơm ngát khác thường. Vị hơi cay, hơi đắng pha mặn.
Định tính
A. Dùng kim đặc chế có rãnh máng gọi là " tào châm" cắm vào miệng lỗ túi mao xác xạ hương, quay kim một vòng, lấy xạ hương nhân ra để quan sát kiểm nghiệm ngay: Xạ hương nhân nở dần lên trong máng tiêm, phồng lên trên mặt máng, gọi là "mao tào". Xạ hương nhân nhuận dầu, mặt xốp, không có góc nhọn, hương thơm ngát, không lẫn vật lạ như sợi lông và không có mùi khác thường.
B. Lấy một ít bột Xạ hương nhân, để trong lòng bàn tay, cho thêm nước cho mềm, vê thành khối rồi ấn nhẹ ngón tay lên trên, xạ hương tan không dính ngón tay, không bám vào tay hay kết lại thành khối.
C. Lấy một ít bột Xạ hương nhân, cho vào chén nung, đốt. Lúc đầu hạt nứt ra sau chảy và phồng lên tựa hạt châu, mùi thơm ngát toả ra, không khét như mùi thịt và lông cháy, không bốc lửa, hoặc không xuất hiện đốm lửa. Sau khi nung xong, cắn còn lại màu trắng hoặc màu trắng xám.
D. Bột Xạ hương nhân có màu nâu hoặc nâu vàng, soi kinh hiển vi thấy: Nhiều hạt vô định hình tập hợp thành khối trong suốt hoặc trong mờ, màu vàng nhạt hay nâu nhạt. Trong khối có tinh thể không đều, hình 8 cạnh hay hình trụ vuông, nằm rải rác hay tụ lại, có giọt dầu tròn, đôi khi thấy có sợi lông nhỏ và biểu mô bong ra.
E. Thả bột Xạ hương nhân vào nước sôi, bột tan ngay, mùi thơm toả mạnh, nước có màu hơi vàng, không có cặn.
F. Lấy 0,1 g Xạ hương nhân, thêm 10 ml ethanol loãng (3 phần ethanol (TT) với 5 phần nước), đun hồi lưu trong cách thuỷ 15 phút, lọc. Lấy 3 ml dịch lọc cho vào cốc cao 3 cm, đường kính 3 cm, trên miệng cốc treo một băng giấy lọc 20 mm x 300 mm, nhúng một đầu giấy lọc vào dịch lọc, để trong 1 giờ. Lấy giấy lọc ra, để khô ở nhiệt độ phòng, đem quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365 nm, thấy phần trên của giấy lọc có huỳnh quang vàng sáng, phần giữa có huỳnh quang màu lơ tím, đôi khi cả 2 phần trên và giữa của giấy lọc đều có huỳnh quang màu vàng sáng đến vàng lục (xạ hương nhân của con Nguyên xạ).
Tạp chất
Xạ hương nhân: Không có lông hoặc có ít hoặc lẫn rất ít lông của mao xác xạ hương. Soi kính hiển vi: Không được lẫn tạp chất và biểu mô động vật khác hoặc thực vật.
Chất màu
Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365 nm không được có dải huỳnh quang nâu đỏ và tối hoặc các dải huỳnh quang sáng bóng khác.
Độ ẩm
Lấy 0,3 g dược liệu, làm khô 24 giờ trong bình hút ẩm bằng phospho pentoxyd (có hút chân không), độ ẩm không được quá 35%.
Tro toàn phần
Không được quá 6,5% (Phụ lục 7.6). Dùng 0,2 g Xạ hương nhân.
Chế biến
Xạ hương của hươu xạ hoang dã thường thu hoạch vào mùa đông và mùa xuân. Sau khi săn được hươu xạ, cắt lấy túi thơm, phơi âm can gọi là Mao xác xạ hương. Mổ túi thơm, trừ bỏ da bìu được Xạ hương nhân.
Xạ hương của hươu xạ nuôi: Lấy Xạ hương trực tiếp từ trong túi thơm ra phơi âm can hoặc để trong dụng cụ làm khô thích hợp đến khô được Xạ hương nhân.
Bảo quản
Để nơi khô, mát, trong bao bì kín, tránh ánh sáng, tránh sâu mọt.
Tính vị, quy kinh
Tân, ôn. Vào các kinh tâm, tỳ.
Công năng, chủ trị
Khai khiếu, tỉnh thần, hoạt huyết, thông kinh, tiêu thũng, chỉ thống. Chủ trị: Nhiệt bệnh, tinh thần hôn ám, trúng phong, đàm quyết khí uất bạo quyết, trúng ác hôn mê (chân tay lạnh ngắt, mê man đột ngột), kinh nguyệt bế tắc, hòn cục, khó đẻ, tử thai, thượng vị đau dữ dội, ung thũng, tràng nhạc, họng sưng đau, sưng đau do sang chấn, đau tê bại liệt.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 0,03 - 0,1 g, dạng hoàn tán. Có khi dùng bôi ngoài da với lượng thích hợp
Kiêng kỵ
Phụ nữ có thai không được dùng.
0 nhận xét:
Post a Comment