Home » , » CỰA KHỎA MẠCH– Claviceps purpurea Tulasne, Họ nấm cựa gà – Clavicipitaceae

CỰA KHỎA MẠCH– Claviceps purpurea Tulasne, Họ nấm cựa gà – Clavicipitaceae

Đăng bởi Thai Nguyen on Wednesday, April 4, 2012 | 6:40 AM

CỰA KHỎA MẠCH


Cựa khoả mạch là hạch của nấm – Claviceps purpurea Tulasne, Họ nấm cựa gà – Clavicipitaceae sống ký sinh trên lúa mạch đen.
 Cựa khoả mạch còn gọi là nấm cựa gà hay nấm cựa tím.

Quá trình tạo thành hạch nấm

Hạch nấm rơi xuống đất vào mùa thu khi lúa mạch chín, nằm im qua mùa đông, sang mùa xuân ngoài mặt sẽ mọc ra những vật nhỏ hình cầu có cuống nhỏ gọi là cơ chất mang nhiều thể quả hình chai đựng các túi bào tử nhờ gió rơi vào hoa lúa mạch đen, chúng xâm nhập trên đốt quả non. Sau khoảng 10-14 ngày nó tiết ra chất nhày có nhiều đường (thường gọi là dây mật) chứa nhiều chuỗi đính bào tử và qua côn trùng sẽ truyền bệnh sang những hoa khác. Tiếp sau đó, những sợi nấm bông phát triển nhanh chóng thành những hạch nấm có lớp tế bào cứng được nuôi qua cây chủ. Khi ngũ cốc chín, những hạch cứng lại rơi xuống đất và tiếp tục một chu kỳ khác.

Phân bố và trồng hái

Cựa khỏa mạch thu hái do mọc hoang ở Liên Bang Nga, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hungari, Rumani, Ba Lan.
Để giải quyết nhu cầu sản xuất người ta cấy hạch nấm lên môi trường nhân tạo thích hơp rồi lấy bào tử tiêm vào những bông lúa mạch đen.
Các nước trồng nhiều: Đức, Thụy Sĩ, Áo, Tiệp, Ba Lan…
Ở nước ta gặp cựa khỏa mạch trên những vùng cao có trồng lúa mạch.
Thu hái khi nấm bắt đầu chín. Sấy khô ở 30-45ºC.
Năng suất thu hoạch phụ thuộc khí hậu: trung bình khoảng 100-200 kg/ha với thu hoạch hoang; còn trồng đạt tới 450 kg/ha.

Bộ phận dùng

Hạch nấm là 1 khối nhỏ dài 2-3 cm, d = 3-4 mm, hai đầu thuôn, mình hơi cong, mặt ngoài đen tím, có khía dọc và đôi khi nứt ngang, càng để lâu càng khó ngửi, vị buồn nôn và vị đắng.

Thành phần hóa học

Hàm lượng alcaloid phụ thuộc vào nguồn gốc và sinh thái. Đối với loại mọc hoang tỷ lệ alcaloid khoảng 0-1%, đa số là dưới 0,2%, loại trồng đạt trên 1 % và người ta đã tạo ra 1 số alcaloid cần thiết nhất định.
Chúng được chia làm 2 nhóm chính :
1. Nhóm clavin-alcaloid là dẫn chất hydroxy và dehydro của 6,8-dimethylergolin như agroclavin...
Nhóm này không sử dụng.
2. Nhóm lysergic-alcaloid là dẫn chất loại amid của acid lysergic.
Nhóm này có giá trị lớn trong điều trị,chia thành 2 phân nhóm:
a. Các alcaloid có cấu trúc thuộc loại amid đơn giản, thường tan trong nước: ergin, ergobasin.
b. Các chất có cấu tạo peptid alcaloid : trong đó có nhóm carboxyl của acid lysergic kết hợp với 1 vòng tripeptid, thường không tan trong nước: Ecgotamin, ecgosin, ergocristin, ergocryptin và ergoconin...
Những acid amin trong tripeptid có thể là L-prolin, L-leucin, L-phenylamin, L-valin, α-hydroxyalanin, α-hydroxyvalin.
Lysergic-alcaloid dễ biến đổi vị trí C-8 (khi để dịch chiết nước hoặc dược liệu bị ẩm) chuyển sang dẫn chất của acid isolysergic là đồng phân không gian của acid lysergic.
Những lysergic-alcaloid tả tuyền, có tác dụng sinh lý mạnh, danh pháp có tiếp vĩ ngữ “in”.
Những isolysergic-alcaloid hữu tuyền, ít hoặc không có tác dụng sinh lý, danh pháp có tiếp vĩ ngữ “inin”.

acid lysergic
Ecgotamin         
Ngoài alcaloid còn có :
Các amin: gồm aminoalcol như cholin, acetylcholin;các acid amin như a.asparatic, glycin, arginin, valin, leucin, tyramin, histamin...
Những chất màu: Chất có màu đỏ clavorubrin, endocrocin..., những chất màu vàng ergoflavin, clavoxanthin. Những sắc tố màu vàng đều có tính khán khuẩn.
Sterol: ergosterol, fungisterin, squalen, stigmasterin.
Chất béo (khoảng 30%) là glycerid của các acid béo chưa no như a.oleic, linoleic, ricinoleic.
Glucid: glucose, trehalose, clavicepsin.
Nước khoảng 8 %.
Các chất vô cơ  khoảng 3-5 .

Kiểm nghiệm

a, Định tính:

- Phản ứng Keller: Cho vào dịch chiết alcaloid trong acid acetic  một giọt dung dịch FeCl3 sau đó cho nhẹ  nhàng dung dịch H2SO4 đậm đặc,cnếu có mặt alcaloid của cựa khoả mạch sẽ xuất hiện ở bề mặt ngăn cách màu xanh đậm.

Phản ứng Keller
- Phản ứng Van-Urk: lấy 0,5g bột dược liệu hoặc cán đã bốc hơi của 5ml dịch chiết đem lắc với 5ml acid tactric 1% trong 2-3 phút, lọc, rồi trộn 2 ml dịch lọc với 4ml thuốc thử Van-Urk sẽ xuất hiện  màu xanh lam (phản ứng này cũng được dùng để định lượng).
Thuốc thử Van-Urk: Hoà tan 0,2g p.dimethyl- aminobenzaldehyd
Vào hỗn hợp 35ml nước và 65ml H2SO4 đặc, cho vào đó 0,15ml
dung dịch FeCl3.6H2O 10%. Bảo quản trong tối.

b, Định lượng:

 - Phương pháp cân: Theo nguyên tắc chiết alcaloid rồi cho tủa alcaloid ở dạng picrat, lấy riêng tủa, dung ammoniac chuyển alcaloid sang dạng base rồi chiết lấy alcaloid base bằng ether, sấy khô rồi cân.
 - Phương pháp so màu: Dựa vào phản ứng Van-Urk chuyển alcaloid sang dạng muối tactrat, rồi cho tác dụng với thuốc thử Van-Urk,đo cường độ màu,dung chất chuẩn là tactrat ergotamin.

Tác dụng & Công dụng

 a, Tác dụng:

- Kích thích sự co thắt của các cơ trơn: mạch máu, phế quản, trực tràng, bàng quang, nhất là tử cung. Tác dụng kích thích này không những đối với tử cung bình thường mà còn rất mạnh đối với tử cung có thai. Do vậy trước đây có dùng để thúc đẩy đẻ nhanh nhưng vì gây co cứng cơ tử cung quá kéo dài nên nhiều khi lại gây đẻ khó. Hiện nay, trong sản khoa chỉ dùng để cầm máu sau khi đẻ.
- Co mạch mạnh, do đó dùng để cầm máu và giảm viêm, tăng huyết áp và ổn định nhịp tim.

b, Công dụng:

 Cầm máu khi băng huyết, ho ra máu,nôn ra máu, chảy máu ruột trong bệnh thương hàn, đái ra máu, chảy máu cam, trĩ chảy máu. Có tác dụng làm tan máu trong bệnh sung huyết phổi, sung huyết não… Có khi dùng trợ tim trong viêm cơ tim do nhiễm khuẩn, viêm quầng (erysipele).
 * Bột: Người lớn ngày uống 0,50-3g (mới bào chế) chia làm liều nhỏ 0,20-0,50g uống cách nhau 30 phút để cầm máu, trẻ em 0,05-0,10g cho mỗi tuổi.
 * Cao mềm: Người lớn uống ngày 1-6g dạng viên, potio. Trẻ em 0,05-0,10g cho mỗi tuổi.
 * Cao lỏng (30 giọt = 1g): Người lớn ngày uống 1-5g pha thành xirô, potio; trẻ em 0,05-0,10g cho mỗi tuổi.
Dịch chiết cựa khoả mạch tác dụng không ổn định vì hàm lượng hoạt chất dễ thay đổi nên ngày nay người ta thường dùng dạng alcaloid tinh khiết. Trong các alcaloid thì ergobasin và ergotamin có giá trị lớn trong điều trị.
Dùng cầm máu tử cung, ức chế giao cảm,dùng trong bệnh Basedow tim đập nhanh, mạch nhanh kịch phát.
Người lớn ngày uống 0,001-0,006g dạng viên hay giọt, tiêm dưới da 1/2  mg hay tiêm 1/4 -1/3 mg trong chứng đau nửa đầu (migraine).
 - Ergobasin:
Dùng cầm máu,chữa băng huyết. Có thể dùng thúc đẻ trong trường hợp tử cung co bóp rất yếu khi đẻ (không dùng khi tử cung co bóp bình thường). Dẫn chất methyl ergobasin  tactrat (methergin, ergopectin) dùng uống hay tiêm bắp 0,2-0,3 mg.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ môn dược liệu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
Chia sẻ bài viết này cho bạn bè :

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Support : Hotline: 0972.874.772 | Dược liệu | Free logos design| Free Vectors
Copyright © 2013. Dược liệu - All Rights Reserved
Thiết kế bởiTNT Chia sẻ Thái Nguyễn
Nền tảng phát triển Blogger