1. Khái niệm về alcaloid
Đã từ lâu các nhà khoa học tìm thấy trong cây các hợp chất tự nhiên, những hợp chất này thường là những acid hoặc những chất trung tính. Đến năm 1806 một dược sĩ là Friedrich Wilhelm Sertüner phân lập được một chất từ nhựa thuốc phiện có tính kiềm và gây ngủ mạnh đã đặt tên là “Cinchonino”, sau đó chiết được chất kết tinh từ vỏ cây Canhkina và đặt tên là “Cinchonino”, sau đó P.J. Pelletier và J.B.Caventou lại chiết được hai chất có tính kềm từ một loài Strychnos đặt tên là strychnin và brucin. Đến năm 1819 một dược sĩ là Wilhelm Meissner đề nghị xếp các chất có tính kiềm lấy từ thực vật ra thành một nhóm riêng và ông đề nghị gọi tên là alcaloid do đó người ta ghi nhận Meissener là người đầu tiên đưa ra khái niệm về alcaloid và có định nghĩa: Alcaloid là những hợp chất hữu cơ, có chứa nitơ, có phản ứng kiềm và lấy từ thực vật ra.
Sau này người ta đã tìm thấy alcaloid không những có trong thực vật mà còn có trong động vật như: Samandarin, samanin lấy từ tuyến da con Salamandra maculosa và S. altra.
Bufotenin, serotonin, bufotenidin, dehydrobufotenin là những chất độc lấy từ các loài cóc Bufo, batrachotoxin trong tuyến da loài ếch độc Phyllobates aurotaenia.
Ngoài tính kiềm, alcaloid còn có những đặc tính khác như có hoạt tính sinh học mạnh, có tác dụng với một số thuốc thử gọi là thuốc thử chung của alcaloid… Sau này Pôlônôpski đã định nghĩa: “Alcaloid là những hợp chất hữu cơ có chứa nitơ, đa số có nhân dị vòng, có phản ứng kiềm, thường gặp trong thực vật và đôi khi có trong động vật, thường có dược lực tính mạnh và cho những phản ứng hóa học với một số thuốc thử gọi là thuốc thử chung của alcaloid.
Tuy nhiên cũng có một số chất được xếp vào nhóm alcaloid nhưng nitơ không có dị vòng mà ở mạch nhánh như: Ephedrin trong ma hoàng (Ephedra sinica Staf.), capsaisin trong ớt (Capsicum annuum L.), hordenin trong mầm mạch nha (Hordenum sativum Jess.), colchicin trong hạt cây tỏi độc (Colchicum autumnale L.); một số alcaloid không có phản ứng với kiềm như colchicin lấy từ hạt tỏi độc, ricinin lấy từ hạt thầu dầu (Ricinus communis L.), theobromin trong hạt cây cacao (Theobroma cacao L.) và có alcaloid có phản ứng acid yếu như arecaidin và guvacin trong hạt cau (Areca catechu L.)
0 nhận xét:
Post a Comment