Home » » GS-NGND Vũ Văn Chuyên - Cuốn từ điển sống về thực vật chữa bệnh

GS-NGND Vũ Văn Chuyên - Cuốn từ điển sống về thực vật chữa bệnh

Đăng bởi Thai Nguyen on Thursday, February 16, 2012 | 6:32 PM

Những người thành danh cùng thế hệ đã lần lượt ra đi, nay chỉ còn lại vài người, trong đó có ông - GS, Nhà giáo nhân dân Vũ Văn Chuyên. Nhiều bài báo đã từng viết về ông, ca tụng ông với một tấm lòng kính trọng, tình cảm trìu mến. Với bất cứ ai, dù chỉ tiếp xúc với ông một lần cũng đều rất ấn tượng, lưu lại những tình cảm tốt đẹp về ông. Đặc biệt, những cống hiến của ông cho sự nghiệp giáo dục và ngành thực vật học Việt Nam là rất đáng được trân trọng và ghi nhận.


      Chúng tôi đến thăm ông vào một buổi tối cuối tháng 10.2008. Dù đã có sự chuẩn bị trước, song lúc đến, chúng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên khi thấy ngay lập tức xuất hiện một ông già nhưng còn rất nhanh nhẹn đi từ phía trong ra. So với tuổi 86, ông quả là một người có sức khoẻ tốt, và trí óc thì rất minh mẫn, thông tuệ. Suốt hơn 2 tiếng đồng hồ, ông ngồi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời dạy học cùng sự nghiệp nghiên cứu, phát hiện các loại cây thuốc của mình, điểm lại không sót một cây thuốc nào mà ông đã đặt tên, những cuốn sách ông đã từng viết (ông là một trong số ít những nhà khoa học của Việt Nam có thể sử dụng thành thạo 6 thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Bồ Đào Nha, Đức, Latinh). 

       Ông cũng cho chúng tôi xem những tấm hình kỷ niệm ghi lại những thời khắc quá khứ không thể nào quên. Tuy đôi tai không còn nghe rõ nữa, nhưng giọng nói đầy nhiệt huyết và trí nhớ kỳ lạ của ông làm chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

       Những mốc thời gian đáng nhớ
       Ông sinh ngày 9.8.1922, tại quê ngoại ở Nam Định (nguyên quán xã Vân Phương, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên). Từ năm 1945 đến 1946, ông làm thí nghiệm viên, giảng dạy tại Bộ môn Thực vật, Trường Cao đẳng khoa học Hà Nội. Năm 1950, ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành Vạn vật học. Sau đó 4 năm lại thi đỗ dược sỹ cao cấp. Trước ngày giải phóng Thủ đô (năm 1954), mặc dù nhận được nhiều lời mời vào Nam làm việc với những điều kiện hấp dẫn, song ông đã nhất quyết ở lại miền Bắc phục vụ cho đất nước. Từ năm 1955, ông là giảng viên Bộ môn Thực vật học của Trường Đại học y dược Hà Nội, đồng thời giảng dạy về thực vật học cho sinh viên, học viên nhiều trường khác như Học viện Quân y, Đại học Nông lâm, Đại học Tổng hợp Hà Nội… Ông đã có gần 20 năm làm chủ nhiệm Bộ môn Thực vật của Trường Đại học dược Hà Nội. Ông được phong học hàm PGS năm 1980 và GS năm 1984. Sau một năm nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú, ông đã được tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân vào năm 1990.

      Với những công lao trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, các Huy chương: Vì sức khoẻ nhân dân, Vì sự nghiệp giáo dục, Vì sự nghiệp KH&CN, Lao động sáng tạo, Vì thế hệ trẻ, Hữu nghị Campuchia... 

      Từ khi nghỉ hưu (năm 1995) đến nay, ông là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển dược liệu, nay là Viện trưởng Viện Nghiên cứu và điều trị các bệnh hiểm nghèo.

         Giờ đây, đối với ông, khi quỹ thời gian không còn nhiều nữa, thì những kỷ niệm quá khứ lại càng trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Có lẽ, những kỷ niệm đáng nhớ nhất và quý báu nhất là những lần ông được nhìn thấy và gặp Bác Hồ: Ngày 2/9/1945, ông được phân công tham gia giữ trật tự ở quảng trường Ba Đình, phục vụ cho Lễ Tuyên ngôn Độc lập. Hôm đó, ông mặc áo sơmi trắng, quần tây trắng, đứng ở vệ đường, về phía Chùa Một Cột. Một đoàn xe ô tô có chở Bác Hồ đi lướt qua chỗ ông đứng, về phía quảng trường Ba Đình. Tuy chỉ được nhìn thấy bóng dáng Bác trong giây phút nhưng những kỷ niệm đó không phai mờ trong tâm trí ông. 

            Những kỷ niệm không thể quên
           Hơn một năm sau, ông đã được gặp Bác một cách thật tình cờ. Lúc đó, ông đang dạy học ở Trường Tri Phương, phố Phủ Doãn, thì Bác vi hành đến thăm Trường. Ông đã vinh dự được Bác hỏi chuyện về nghề, về công việc lúc đó. Ông nhớ nhất lời căn dặn của Người: “Vì lợi ích mười năm thì trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì trồng người”. Ông đã hứa với Bác, sẽ trọn đời theo nghề dạy học, và ông đã làm đúng theo lời hứa đó.

      Ông cũng không thể quên được những lần nhận nhiệm vụ, công tác đặc biệt với những người lãnh đạo, đồng chí của mình năm xưa, như các đồng chí: Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Phan Nông, Đặng Vũ Hỷ, Vũ Văn Cẩn, Phạm Biểu Tâm, Đàm Quang Trung…

       Hơn nửa thế kỷ cống hiến cho sự nghiệp trồng người
      Hơn nửa thế kỷ cống hiến cho sự nghiệp trồng người Có những lần đi rừng, thầy trò ông phải cắt cỏ tranh, trải nilông lên mà ngủ… Vượt qua nhiều gian khó, phải lăn lộn với thực tiễn, nhiều học trò của ông đã trưởng thành, trở thành người giữ trọng trách lớn trong xã hội. Dưới sự hướng dẫn của ông, một sinh viên đã phát hiện ra cây Tai nghé ở vùng núi Ba Vì, có thể dùng thay thế vỏ cây canh ki na. Khoá Địa chất đầu tiên (năm 1955) tại Chùa Láng do ông dạy, có một sinh viên sau này đã trở thành Chủ tịch nước, đó chính là đồng chí Trần Đức Lương. Với khối lượng kiến thức rộng lớn, sự am hiểu sâu sắc trong lĩnh vực thực vật học, dược học, với nhiệt tình trong sáng, phương pháp giảng dạy khoa học, sinh động, phong cách giản dị mà hóm hỉnh, 50 năm trong sự nghiệp trồng người, ông đã đào tạo ra bao lớp học trò ưu tú, hướng dẫn cho nhiều nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án TS. Nay đã ở tuổi bát thập, nhưng ông vẫn thường xuyên đọc và cho ý kiến nhận xét nhiều luận án TS về thực vật học.

       Những công trình nghiên cứu
      Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của ông đã được đồng nghiệp, bạn bè trong nước và quốc tế biết đến. Gần 50 đầu sách về cây thuốc Việt Nam do ông viết hoặc tham gia biên soạn đã được xuất bản. Đó là những cuốn sách, giáo trình tổng kết những công trình điều tra, nghiên cứu cơ bản và kinh nghiệm giảng dạy của ông qua nửa thế kỷ giảng dạy. 

     Tên tuổi của GS Vũ Văn Chuyên và các công trình khoa học của ông đã được ghi nhận trong bộ Niên giám quốc tế về cỏ, cây, gia vị và cây thuốc do Trường Đại học tổng hợp Massachusetts xuất bản tại Mỹ năm 1994. Rất nhiều nhà khoa học ở Pháp, Canada, Thụy Điển, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á có quan hệ mật thiết với ông trong công việc nghiên cứu, sưu tầm và phát hiện các cây thuốc.

      Trong một lần đưa sinh viên đi thực tập nhận thức cây thuốc ở SaPa, ông và cộng sự đã thu thập vỏ cây xoan nhừ, xoan trà và phát hiện ra công dụng chữa bỏng tuyệt vời của nó. Sau này, vỏ cây này đã được dùng làm nguyên liệu chế thuốc bỏng B76 dùng trong chiến tranh chống Mỹ. Đặc biệt, ông đã góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu thành công thuốc cai nghiện ma tuý Cedemex, mang lại con đường sống cho nhiều bệnh nhân nghiện ma tuý. Sản phẩm Cedemex hiện đã được Bộ Y tế cho phép lưu hành, ứng dụng trong cộng đồng và mang lại những hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội, nhân văn to lớn. Bên cạnh đó, ông cùng với các đồng nghiệp và cộng sự còn nghiên cứu, tiến tới sản xuất các thuốc điều trị HIV/AIDS, khối u tiền liệt tuyến, chống lão hoá và tăng cường hoạt động của hoócmôn… dựa trên cơ chế sinh bệnh học và tính năng dược lý của một số loại thảo dược ở Việt Nam.

      Những cuốn sách tiêu biểu của ông có thể kể đến là: Phân tích hoa (tiếng Pháp, 1951); Giáo trình Latinh, NXB Y học (tái bản 3 lần); Giáo trình Thực vật học, NXB Y học (tái bản 3 lần); Tóm tắt đặc điểm các họ cây thuốc, NXB Y học (tái bản 2 lần)...
      Ngoài khoảng 50 cuốn sách mà ông đã viết hoặc tham gia, ông còn viết khoảng 500 bài báo khoa học, đáng chú ý nhất là những bài viết về vỏ thân cây xoài (chữa đau răng), lá na (chữa sốt rét), cây mắm (chữa bệnh phong), cải bắp (chữa đau dạ dày), sử dụng tinh dầu tràm trong phẫu thuật…

      Cuốn từ điển sống về thực vật học và tiếng Latinh
      Ngay từ năm 1962, ông đã cùng với TS Bùi Xuân Đồng (Trường Đại học dược Hà Nội) xây dựng được danh mục đầu tiên về cây vùng Hà Nội. Ông đã phát hiện, định danh tên khoa học cũng như nghiên cứu tính năng dược lý của nhiều loại thực vật làm thuốc, như: Cây Pyrrhosia lingua; cây cỏ hạt trần và hạt kín ở nội, ngoại thành Hà Nội; cây thiên thảo, sài đất hai hoa, trinh nữ hoàng cung, vàng đắng, tông dù, hoàn ngọc; họ xương rồng ở Việt Nam; họ cúc; hạt đậu nọc chữa rắn cắn; đính chính tên khoa học của cây thổ hoàng liên (trước đây gọi nhầm là Thalictrum ichangense)… Năm 1975, ông cùng với GS Võ Văn Chi (nhà thực vật học) nghiên cứu và đưa ra Danh mục thực vật Bách thảo Hà Nội, công viên Lênin, cây cảnh Ngọc Hà.

       Với những tri thức, kinh nghiệm của hàng chục năm lăn lộn với thực địa, ông đã viết cuốn “Tóm tắt đặc điểm các họ cây thuốc”, trong đó ngoài việc tóm tắt đặc điểm các họ cây thuốc, còn có danh sách các cây thông thường thuộc các họ đó, giúp cho sinh viên dễ học và dễ phân loại thực vật, cán bộ nghiên cứu tiện tra cứu.

      Ông cũng là cộng tác viên thường xuyên của nhiều tờ báo, sẵn sàng trả lời cặn kẽ những câu hỏi của bạn đọc về các vấn đề liên quan đến thực vật học và thuốc chữa bệnh. Để ca ngợi tác dụng diệu kỳ của các vị thuốc dân tộc, ông thường nói vui: “Ta về ta uống thuốc ta - Dù hăng, dù đắng, thuốc nhà vẫn tiên”.
      Là một người rất giỏi về tiếng Latinh, ông đã viết cuốn “Giáo trình tiếng Latinh” gồm 13 bài giảng về tiếng Latinh, chủ yếu dành cho sinh viên Trường Đại học dược và các cán bộ nghiên cứu về thực vật. Trong mỗi bài giảng, bên cạnh phần ngữ pháp còn có những ví dụ được lấy từ thực tế công tác y tế, nhằm cung cấp những từ Latinh cơ bản thường gặp trong các tài liệu y dược học. 

       Vẫn còn những dự định cho thế hệ sau
      Giờ đây, đã sắp bước sang tuổi 87, song đã thành thói quen từ hồi trẻ, ông luôn tỉnh dậy lúc nửa đêm để làm việc: Biên dịch, tra cứu và ghi chép những tên thuốc, số liệu mà ông vừa tìm ra hoặc muốn chép lại cho các thế hệ sau. Nhiều người còn đến nhờ ông xác định tên khoa học của một số loài thực vật hiếm, hay tra cứu tên thuốc, đọc tên Latinh của một loại thuốc nào đó. Thậm chí, nhiều người được nhận bằng sáng chế hoặc thư mời quốc tế bằng tiếng Latinh cũng phải đến nhờ ông dịch… Ông chẳng bao giờ nề hà, mà luôn sẵn lòng giúp đỡ, có khi quên ăn, quên ngủ vì say mê nghiên cứu, tìm tòi đến khi làm xong việc mới thôi.

      Có lẽ, hiện nay, GS Vũ Văn Chuyên là người có vốn hiểu biết sâu rộng nhất về thực vật làm thuốc và giỏi nhất về tiếng Latinh ở nước ta. Ông tâm sự: Chừng nào tôi còn sống, tôi sẽ cố gắng biên soạn và viết lại cuốn giáo trình Latinh cho các sinh viên ngành dược và những người nghiên cứu về thực vật học tham khảo. 

      Ông cũng đang chỉnh sửa, biên tập lại cuốn “Tóm tắt đặc điểm các họ cây thuốc” của mình để chuẩn bị cho lần tái bản thứ 3 sắp tới.

      Chúng tôi xin chúc ông có được sức khoẻ và sự minh mẫn để thực hiện được các dự định của mình, để lại cho đời những công trình khoa học có giá trị thực tiễn cao. Với phong cách sống trong sáng, giản dị, vì mọi người, vì sự nghiệp giáo dục và khoa học, GS Vũ Văn Chuyên đã luôn làm tròn lời hứa với Bác Hồ, cống hiến tất cả cho sự nghiệp trồng người, xứng đáng là một tấm gương lớn cho các thế hệ học trò noi theo.
Chia sẻ bài viết này cho bạn bè :

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Support : Hotline: 0972.874.772 | Dược liệu | Free logos design| Free Vectors
Copyright © 2013. Dược liệu - All Rights Reserved
Thiết kế bởiTNT Chia sẻ Thái Nguyễn
Nền tảng phát triển Blogger