CAU
Tên khoa học của cây cau nhà - Areca catechu L., họ Cau - Arecaceae
Đặc điểm thực vật, phân bố và trồng hái
Cây cau là một cây sống lâu năm, thân mọc thẳng, cao độ 15 – 20m, đường kính 10 – 15cm. Thân tròn, không chia cành, không có lá, có nhiều đốt do vết lá cũ rụng, chỉ ở ngọn mới có một chùm lá to, rộng, xẻ lông chim. Lá có bẹ to. Hoa tự mọc thành buồng, ngoài có mo bao bọc, hoa đực ở trên, hoa cái ở dưới. Hoa đực nhỏ màu trắng ngà, thơm mát. Quả hạch, hình trứng, to gần bằng quả trứng gà, lúc đầu xanh, vỏ bóng nhẵn, khi già biến thành màu vàng đỏ. Quả bì có sợi, hạt có nội nhũ xếp cuốn. Hạt hơi hình nón cụt, đầu tròn, giữa đáy hơi lõm, màu nâu nhạt, vị chát.
Cây cau nguồn gốc ở Philipin. Cau được trồng ở nhiều nước vùng nhiệt đới, nhất là vùng biển nhiệt đới châu Á và Đông Phi. Người ta trồng cau để lấy quả ăn trầu. Ở nước ta, cau cũng được trồng ở khắp nơi, nhất là các tỉnh gần biển.
Cau trồng bằng hạt, thường sau 4-5 năm mới thu hoạch quả được.
Bộ phận dùng, chế biến và bảo quản
Dùng hạt (Semen Arecae) (binh lang, tân lang) và vỏ quả (đại phúc bì).
Hạt cau hình trứng hơi rộng dưới, đáy phẳng, ở giữa lõm, đôi khi có cụm xơ (cuống noãn), mặt ngoài có mạng, màu nâu vàng nhạt. Cắt ngang thấy vỏ hạt ăn sâu thành những nếp màu nâu và nội nhũ màu trắng nhạt. Phôi nhỏ nằm ở đáy hạt. Không mùi, vị chát hơi đắng.
Vi phẫu: Vỏ hạt gồm tế bào chứa chất màu nâu (tanin). Lớp ngoài cấu tạo bởi tế bào cứng rải rác, có các bó libe gỗ, lớp trong ăn sâu vào nội nhũ, tạo thành mô thâm nhập. Nội nhũ gồm tế bào hình nhiều cạnh, chứa đàu và hạt alơron, thành tế bào dày, có lỗ to giống như tràng hạt.
Bột: Màu đỏ nâu. Soi kính hiển vi thấy: tế bào đá của vỏ hạt, hình bầu dục dài, thành hơi dày. Mảnh nộ nhũ với thành tế bào dày, có lỗ đặc biệt, hạt alơron 5-40 micromet, sợi của vỏ quả có tinh thể.
Vỏ quả: Là vỏ ngoài và vỏ phơi khô của quả cau. Vỏ ngoài màu xanh vàng, có nhiều xơ xốp, mềm, dai.
Chế biến: Hái quả thật già, bóc lấy riêng vỏ và hạt, phơi khô hoặc sấy thật khô. Khi dùng đem hạt khô ngam nước 2-3 ngày cho mềm, mỗi ngày thay nước một lần (không nên ngâm vào dụng cụ bằng sắt), sau đó vớt ra đê ráo nước rồi thái thành miếng mỏng, đem phơi hoặc sấy ở nhiệt độ thấp (40-500 C) tới độ ẩm dưới 10%. Còn vỏ thì đem rửa sạch, ủ một đêm cho mềm rồi xé tơi, phơi hoặc sấy khô tới độ ẩm dưới 13%, có thể tẩm rượu sao hoặc nấu thành cao đặc.
4. Thành phần hóa học:
- Trong hạt có 15% tanin thuộc catechin và polyleucoanthocyanidin, 13-14% dầu béo với các thành phần chính là laurin, myristin, olein, các chất đường (có nhiều manan và galactan). Hoạt chất chính là alcaloid (0,15 - 0,67 %) ở dạng kết hợp với tanin. Alcaloid chính là arecolin (0,07 – 0,50 %) và những acaloid phụ là arecaidin, guvacin, guvacolin, arecolidin và isoguvacin.
- Arecolin là một chất lỏng ở nhiệt độ thường, không màu, không mùi, rất kiềm, sôi ở 2090 C, dễ tan trong nước, cồn, ether và cloroform, cho muối kết tinh với các alcaloid.
Kiểm nghiệm:
1. Định tính:
Lấy 0,5 g bột, thêm 4-5 ml nước và 1-2 giọt dung dịch H2SO4 5%. Đun sôi trong 5 phút, lọc. Lấy 2ml dịch lọc, thêm 1 -3 giọt thuốc thử Dragendorff sẽ xảy ra hiện tượng tủa đỏ.
2. Định lượng:
Cân chính xác 8 gam bột hạt cau cho vào bình nón có nút mài với 80ml ether etylic và 4ml dung dịch amoniac, nút kín, lắc trong 10 phút. Thêm 10 g Na2SO4 khan, lắc trong 5 phút rồi để yên. Rót dung dịch ether vào một bình gạn, lắc với 50 g bột talc trong 3 phút. Thêm 2,5 ml nước cất, lắc 3 phút. Để lắng chiết lấy lớp ether trong. Rửa nước bằng một ít ether etylic. Hợp các dịch ether lại, làm bốc hơi đến khi còn khoảng 20 ml, chuyển vào bình gạn, lắc với 20ml dung dịch H2SO4 0,02N, để lắng, gạn lấy lớp acid, lọc. Rửa giấy lọc bằng nước, nước rửa đổ vào dich lọc. Thêm vài giọt dung dich metyl đỏ và định lượng bằng dung dịch NaOH đến khi chuyển sang màu vàng.
Gọi n: số ml dung dich NaOH đã dùng
(20-n): số ml H2SO4 kết hợp với alcaloid.
1 ml dung dịch H2SO4 0,02N tương ứng với 0,003104 g arecolin.
Hàm lượng phần trăm alcaloid toàn phần:
X%=(20-n)x0,3104/8
Dược điển Việt Nam I quy định dược liệu phải có ít nhất 0,3 % alcaloid toàn phần tính theo arecolin (C8H13NO2)
6. Tác dụng dược lý:
- Tác dụng của arecolin gần giống isopelletierin, pilocarpin và muscarin. Arecolin gây tăng tiết nước bọt, tăng tiết dich vị, dịch tá tràng và làm co đồng tử. Dung dịch 1% arecolin bromhydrat làm co nhỏ đồng tử sau khi nhỏ 3-5 phút, kéo dài từ 30 phút đến 2 giờ. Có thể làm giảm nhãn áp bệnh glôcôm.
- Liều nhỏ arecolin kích thích thần kinh, arecolin làm tăng nhu động ruột. Arecolin liều cao gây ngừng tim và liệt hô hấp dẫn đến tử vong.
- Nước của hạt sắc cau có tác dụng độc với thần kinh của sán, làm tê liệt các cơ trơn của sán; 20 phút sau khi thuốc vào tới ruột, con sán bị tê liệt và không bám vào thành ruột được nữa.
Công dụng và liều dùng
Hạt cau thường được dùng làm thuốc chữa sán trong thú y nhiều hơn. Người ta cũng có thể dùng để chữa sán dây, thường uống phối hợp với hạt bí ngô. Do nghiên cứu thấy nước sắc hạt cau có tác dụng làm tê liệt sán bò và sán lợn nhưng chỉ mạnh đối với phần đầu và những đốt gần đầu, trái lại hạt bí ngô có tác dụng chủ yếu làm tê liệt khúc giữa và khúc đuôi con sán cho nên có thể dùng như sau:
Sáng sớm lúc đói ăn 60 – 120 hạt bí ngô (cả vỏ) hoặc 40 – 100 g (đã bóc vỏ). Hai giờ sau uống nước sắc hạt cau (trẻ em dưới 10 tuổi uống 30g, phụ nữ 50 – 60 g, người lớn 80 g). Sắc hạt cau với 500 ml nước, còn 150 – 200ml, nhỏ dung dịch gelatin 2,5% vào cho đến khi hết tủa (để loại tanin), để lắng, gạn và lọc. Cô còn 150ml, uống 1 lần. Nửa giờ sau uống một liều thuốc tẩy (magie sulfat 30g). Nằm nghỉ, đợi thật buồn đi ngoài, đi vào một chậu nước ấm.
Người ta phối hợp hạt cau với thường sơn để chữa bệnh sốt rét.
Vỏ quả cau (đại phúc bì) y học cổ truyền dùng chữa thủy thũng, bụng báng nước, tiểu tiện khó. Ngày dùng 6 – 12, dạng thuốc sắc.
Chú thích: Cây cau rừng (Sơn binh lang) có tên khoa học là Areca lasensis L. cùng họ Arecaceae, cũng dùng giống như cây cau nhà (gia binh lang). Sơn binh lang có nhiều ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh hóa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0 nhận xét:
Post a Comment