VII. TÁC DỤNG VÀ CÔNG DỤNG.
- Ở trong cây, tanin tham gia vào quá trình trao đổi chất, các quá trình oxy hoá khử .
- Là những chất đa phenol, tanin có tính kháng khuẩn nên có vai trò bảo vệ cho cây.
- Dung dịch tanin kết hợp với protein, tạo thành màng trên niêm mạc nên ứng dụng làm thuốc săn da. Tanin còn có tác dụng kháng khuẩn nên dùng làm thuốc súc miệng khi niêm mạc miệng, họng bị viêm loét, hoặc chỗ loét khi nằm lâu. Tanin có thể dùng trong để chữa viêm ruột, chữa tiêu chảy.
Tanin kết tủa với kim loại nặng và với alcaloid nên dùng chữa ngộ độc đường tiêu hoá.
Tanin có tác dụng làm đông máu nên dùng đắp lên vết thương để cầm máu, chữa trĩ, rò hậu môn.
Có thể dùng tanin tinh chế pha trong dung dịch nước 1-2% hoặc thuốc bột, thuốc mỡ 10-20%. Khi dùng trong (uống) nên dùng chế phẩm tanalbumin hay tanalbin. Đây là dạng kết hợp tanin và albumin, điều chế bằng hoà tan 10g albumin vào 90g nước, thêm vừa đủ dung dịch tanin 6% để kết tủa hết albumin. Đun nhẹ 50o để làm vón, lọc và rửa với một ít nước, sấy khô 40-50o rồi tán nhỏ. Tanalbin có màu vàng nhạt, không mùi, không vị, chứa 50% tanin, không hoà tan trong nước và trong cồn, không bị dịch vị phân huỷ. Khi vào đến ruột gặp môi trường kiềm tanin mới giải phóng, tránh được tanin tác dụng trên niêm mạc miệng- thực quản- dạ dày gây khó chịu và làm rối loạn tiêu hoá. Người lớn uống 2-10g chia làm liều nhỏ 1g.
Có thể chế dạng tanat gelatin dùng như tanalbin. Tanoform (=tanin + formol) dùng bôi ngoài.
www.duoclieu.org
TÀI LIỆU THAM KHẢONgô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
0 nhận xét:
Post a Comment