MẠCH NHA
Fructus Hordei germinatus
Mạch nha là hạt (về phương diện thực vật học thì gọi là quả) nẩy mầm phơi khô của cây đại mạch - Hordeum vulgare L. ; họ Lúa - Poaceae.
Cây đại mạch là một loại cây ngũ cốc, mọc hàng năm. Mỗi năm thế giới sản xuất khoảng 100 triệu tấn (Bắc Mỹ, Liên Xô cũ, Trung quốc, Tây Au). Muốn chế biến thành dược liệu thì người ta cho hạt nẩy mầm, khi một số mầm bắt đầu xanh thì đem phơi nắng cho khô. Thứ chưa nẩy mầm thì không dùng.
Thành phần hóa học
Cũng như các loại ngũ cốc khác, tinh bột là thành phần chính, các thành phần khác: protein, lipid, vitamin, chất khoáng. Trong hạt đại mạch nẩy mầm thì giàu các enzym. Dưới tác dụng của enzym, tinh bột chuyển thành dextrin và maltose, saccharose thì chuyển thành đường nghịch đảo, protein chuyển thành pepton, polypeptid thành amino acid. Do đó mạch nha là thức ăn rất dễ tiêu cho người ốm và trẻ em. Trong mầm hạt đại mạch có chứa một lượng nhỏ alcaloid (0,1-0,5%) gồm 2 chất: hordenin và gramin.
Hordenin là một dẫn chất phenylethylamin được phân lập năm 1906. Muốn chế hordenin người ta cho tác dụng lên mầm hạt đại mạch dung dịch HCl loãng, sau đó kết tủa alcaloid bằng kiềm.
Muốn chế enzym dược dụng thì chiết hỗn hợp các enzym hòa tan trong đại mạch đã mọc mầm bằng nước rồi tủa bằng 3 lần thể tích cồn 95o. Tủa tách ra đem làm khô bằng cách tải mỏng hoặc sấy ở chân không, nhiệt độ thấp. Chế phẩm chứa chủ yếu amylase, maltase.Hordenin | Gramin |
Vi học: Hạt tinh bột hình đĩa kích thước trung bình 25-30 mm, không có rốn hạt.
Tác dụng và công dụng
Do có các enzym nên mạch nha có tác dụng giúp tiêu hóa, dùng để chữa các trường hợp ăn uống kém tiêu. Thuốc lợi sữa, ngoài ra còn chữa trẻ em đau bụng đi ngoài, lỵ, viêm ruột.
Mạch nha được ghi vào Dược Điển Đông Y Trung Quốc năm 1963. Nước sắc mạch nha và hốt bố sau khi cho lên men rượu (dùng Saccharomyces cerevisiae) thì thành rượu bia.
Hordenin có tác dụng giống giao cảm nhẹ, hơi làm tăng huyết áp, cường tim, ít độc, có tác dụng ức chế sự co bóp ruột. Hordenin cũng được dùng chữa đi ngoài, liều 0,25-1g.
. Trong y học cổ truyền còn dùng cốc nha tức là luá đã lên mầm, công dụng như mạch nha. Ta có thể dùng cốc nha thay cho mạch nha trong vị thuốc “thần khúc”. (dạng đóng bánh của một hỗn hợp gồm nhiều vị thuốc đã xay thành bột để chữa cho trẻ em ăn uống chậm tiêu).
www.duoclieu.org
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
0 nhận xét:
Post a Comment