Làng dược liệu Nghĩa Trai (xã Tân Quang, huyện Văn Lâm) không chỉ nổi tiếng với nghề trồng, chế biến, buôn bán cây thuốc nam, thuốc bắc mà còn nức tiếng gần xa bởi có nhiều vị lương y tài danh chữa bệnh cứu người
Nghĩa Trai- “vựa dược liệu” phong phú
Nằm kề với quốc lộ 5, Nghĩa Trai là một làng quê thuần phác, nhỏ bé như cô thôn nữ nép mình giữa chốn phồn hoa. Đã từ rất lâu người dân cả trong và ngoài tỉnh biết tới Nghĩa Trai như một “vựa dược liệu” phong phú. Từ những loại bình dân như: tía tô, kinh giới, mã đề... đến nhiều loại thuốc quý: cúc hoa, kim tiền thảo, hoắc hương... Quanh năm, chỉ cần ghé chân vào đầu làng là đã cảm nhận được mùi thơm dễ chịu của thảo dược. Từ mảnh đất đầu làng, đất ruộng đến những khoảng đất nhỏ bé ven đường, đâu đâu cũng thấy cây dược liệu mọc lên xanh tốt.
Bên chén trà toả mùi thơm hoa cúc, ông Trần Tất Thi, trưởng thôn trò chuyện với chúng tôi: “Trồng, chế biến dược liệu và hành nghề y vốn là truyền thống lâu đời của làng. Dù ít, dù nhiều, nhà nào cũng trồng cây thuốc để kinh doanh và để phục vụ nhu cầu gia đình. Đến nay, trên 70% diện tích canh tác của thôn được sử dụng để trồng cây dược liệu”.
Quả thật, đi quanh làng đâu đâu cũng thấy bóng dáng cây thuốc. Mỗi cây đều có tác dụng riêng. Cúc hoa thì chữa nhức đầu, mỏi mắt. Địa liền thì chữa nhức mỏi xương khớp... hay như tía tô, kinh giới hay dùng ăn ghém lại cũng có rất nhiều tác dụng tiêu độc, chống viêm. Cây thì lấy lá, lấy hoa, cây lại lấy củ, rễ. Có nhiều cây từ gốc đến ngọn chẳng bỏ đi thứ gì. Người nông dân nơi đây gắn bó với cây thuốc từ đời này sang đời khác. Cây dược liệu thực sự trở thành tâm huyết của người nông dân, là cái nhân, cái đức của những người trong nghề. Cái hay là cây dược liệu chẳng mấy khi phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật bởi bản thân nó đã có khả năng kháng sâu bệnh, hiếm có loại sâu bệnh nào phát triển được.
Tính ra mỗi năm người dân ở Nghĩa Trai chế biến và buôn bán hàng nghìn tấn dược liệu đủ loại. Việc chế biến dược liệu không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỹ thuật nhất định thì chất lượng dược liệu mới bảo đảm. Sau khi thu hoạch, dược liêu đều được sơ chế sạch sẽ, thái nhỏ rồi phơi khô dưới nắng tự nhiên hoặc sấy trên lò. Những gia đình chế biến quy mô nhỏ mỗi năm từ 30 đến 50 tấn, còn những hộ lớn mỗi năm chế biến hàng trăm tấn. Thị trường chủ yếu của Nghĩa Trai là những đại lý dược ở các thành phố lớn, các công ty dược: Traphaco, Bảo Long... và xuất sang Trung Quốc. Ngoài ra Nghĩa Trai còn là địa chỉ tin cậy của những phòng chẩn trị y học cổ truyền phương Đông trong và ngoài tỉnh.
Anh Đỗ Xuân Luyện, một chủ hộ đã có nhiều đời chế biến cây dược liệu của thôn cho hay: “Trồng và chế biến dược liệu tuy không lãi nhiều nhưng là nghề truyền thống của ông cha, nhà nào có quy mô lớn thì làm giàu, quy mô nhỏ thì đủ sống. Mỗi sào thuốc của chúng tôi một năm trừ chi phí cho lãi từ 7- 10 triệu đồng, mỗi tấn thuốc chế biến cũng được từ 5- 10 triệu đồng”.
Hành nghề y bằng chữ “nghĩa”.
Không chỉ trồng, chế biến và buôn bán dược liệu, Nghĩa Trai còn nổi tiếng về kê đơn bốc thuốc, chẩn trị bệnh theo y học cổ truyền.
Ở Nghĩa Trai từ người già đến lớp trẻ ai cũng thuộc từng loại thuốc, hiểu rõ công dụng từng cây nhưng không phải gia đình nào cũng hành nghề y. Trong làng chỉ có một vài dòng họ theo nghề như: họ Đỗ, họ Nguyễn... Theo thần tích của làng, tương truyền vào khoảng năm 1572 có 3 vị tướng đời vua Lý Thánh Tông sau khi giúp vua đánh thắng giặc Chiêm Thành đã về Nghĩa Trai giúp dân khai hoá đất hoang, trồng cây thuốc và hành nghề y “cứu nhân độ thế”. Dân làng đã lập Đền thờ tôn các ông làm Thành hoàng làng và thờ phụng đến ngày nay.
Nghề bốc thuốc chữa bệnh của làng đã qua bao thế hệ mà không bị mai một, hơn nữa còn được lưu truyền. Ngày nay, để được cấp phép hành nghề, những lương y đều phải qua thời gian đào tạo về y học phương Đông, mỗi phòng chẩn trị y học cổ truyền đều có giấy phép do sở y tế cấp. Những phòng y học cổ truyền của lương y người thôn Nghĩa Trai có mặt khắp từ nam ra bắc. Hầu hết họ lập nghiệp xa quê bởi ở làng ai ai cũng hiểu rõ từng cây thuốc, biết tự bốc những bài thuốc thông thường, thuốc bổ… Cũng bởi vậy mà người dân trong làng rất ít bệnh tật, hiếm gặp người mắc bệnh nan y, những cụ ông cụ bà trong làng dù tuổi đã cao mà vẫn khoẻ mạnh, hồng hào.
Điều đặc biệt là dù lập nghiệp gần xa thì tất cả các phòng khám bệnh bốc thuốc, các cửa hàng cửa hiệu đều lấy chữ “nghĩa” làm đầu để đặt tên. Chữ “nghĩa” trong tên làng và chữ “nghĩa” cũng là một trong những cái đức của người dân làng thuốc. Gặp người hoạn nạn thì cứu giúp, gặp người bệnh tật thì chạy chữa cưu mang. Từ chữ “nghĩa” những lương y của làng sống trọn vẹn với nghề, giữ tâm trong sạch, chu đáo tỉ mỉ trong bốc thuốc, chữa bệnh.
Có thông tin cho rằng dược liệu trên thị trường bị ảnh hưởng do sấy diêm sinh. Nhưng thực tế tại Nghĩa Trai cho thấy việc phơi sấy dược liệu được thực hiện nghiêm ngặt và vệ sinh. Dược liệu được phơi khô tự nhiên hoặc sấy trên lò cao rồi đóng bao cẩn thận. Diêm sinh là chất bảo quản chống mốc nhưng được dùng hạn chế với liều lượng cho phép. Ở Nghĩa Trai, bằng kinh nghiệm truyền thống, các hộ gia đình phơi sấy và bảo quản tốt dược liệu hàng năm trời mà không cần sử dụng bất kỳ chất bảo quản nào.
Lương y Đỗ Văn Oánh, chủ phòng chẩn trị y học cổ truyền Nghĩa Hạnh cho biết: “Cây dược liệu của làng đem lại tác dụng tốt cho nhiều người bệnh hơn hẳn các loại thuốc tây, nhất là các loại bệnh: thấp khớp, đau dây thần kinh toạ… Người dân hiện nay cũng có xu hướng tìm đến Đông y chữa bệnh nhiều hơn”. Bằng những kết quả từ việc trị bệnh cứu người, người Nghĩa Trai như khẳng định sự tin tưởng vào nghề truyền thống của cha ông và giữ gìn chữ “nghĩa” cho con cháu đời sau.
Ngắm cánh đồng dược liệu đang vào kỳ thu hoạch rộ với đủ màu sắc và hương thơm dễ chịu, chúng tôi cũng vui lây với người dân Nghĩa Trai. Một mùa xuân mới lại về trên đất thuốc…
0 nhận xét:
Post a Comment