Ô DƯỢC
Tên khoa học: Lindera myrrha (Lour) Merr.; Họ long não (Lauraceae)
Bộ phận dùng: Rễ. Rễ như đùi gà (ô dược đùi gà) khô mập chỗ to nhỏ không đều, rắn chắc, vỏ nâu, thịt vàng ngà, sạch rễ, không mọt, trơn nhẵn, có hương thơm là tốt.
Ở miền Nam có cây cũng được gọi là ô dược, cây rất to, gỗ làm bàn ghế, nhựa làm nhang, rễ dùng làm thuốc cần nghiên cứu thêm.
Thành phần hóa học: (của cây ô dược Trung Quốc, Lindera strychnifoliaWill): có alcaloid (Linderan, Linderen v.v…).
Tính vị - quy kinh: Vị cay, tính ôn. Vào bốn kinh tỳ, vị, phế và thận.
Tác dụng: Thuận khí, ôn trung; làm thuốc trị trúng phong, trúng khí.
Chủ trị: Đau bụng, tiêu hóa kém, ngực tức đầy, nôn mửa, cắt cơn đau.
Liều dùng: Ngày dùng 8 - 16g.
Kiêng kỵ: Khí hư, tạng nhiệt thì không nên dùng.
Cách bào chế:
Theo Trung y:
Hái thứ rễ xung quanh có từng đốt nôi liền nhau (rễ đuôi chuột không dùng), bỏ vỏ lấy lõi, sao qua hoặc mài.
Lấy rễ khô ngâm nước một ngày, vớt ra ủ cho mềm thấu, thái lát, phơi khô hoặc mài.
Theo kinh nghiệm Việt Nam:
- Rửa sạch, ủ đến mềm thấu, để ráo, xóc với giấm, thái lát phơi khô.
- Ngâm một đêm, rửa sạch, thái mỏng (khó bào), phơi khô (thường dùng).
- Tại Viện Đông y: ngâm 1 - 2 giờ, rửa sạch, ủ mềm thấu, thái mỏng, phơi khô.
- Có khi rửa sạch, phơi khô, khi dùng đem mài lấy 2 - 4g pha với nước thuốc thang đã sắc để uống. Nếu mài thì rất lâu, do vậy nên tán bột mịn, khi dùng uống với nước thuốc thang.
Bảo quản: Dễ mốc mọt nên cần để nơi khô ráo thoáng gió.
0 nhận xét:
Post a Comment