KỸ THUẬT BÀO CHẾ THUỐC THANG
(THUỐC SẮC)
1. Định nghĩa
Thuốc thang là hỗn hợp của nhiều vị thuốc đã được bào chế và phân liều dùng được đổ ngập bởi một chất lỏng ( rượu , nước...) đun sôi, chắt lấy nước để uống hoặc để rửa ( dùng ngoài).
Thuốc thang được dùng rộng rãi dưới dạng nước sắc, uống hoặc rửa trong một ngày chia làm 2 - 3 lần sáng, trưa, tối.
Mỗi thang thuốc thông thường có trọng lượng từ 50 - 200g dược liệu, dùng ngoài để rửa có thể liều lượng dược liệu tuỳ theo cho thích hợp.
Thuốc thang được cơ thể hấp thu nhanh công hiệu nhanh; mọi bệnh tật đều có thể dùng thuốc thang, nhất là bệnh mới cảm hoặc cấp tính.
2 . Thành phần
2.1. Dược liệu: Bao gồm thảo mộc, khoáng vật, động vật...
2.1.1. Thảo mộc
Dược liệu dùng để sắc thuốc có thể là:
- Hoa : Kim ngân hoa, Cúc hoa, Hoè hoa, Khoản đông hoa, Hạ khô thảo ...
- Quả: Sử quân tử, Thương nhĩ tử, Chỉ xác...
- Hạt: Bạch biển đậu, Phá cố chỉ, Thỏ ty tử, Câu kỉ tử ...
- Thịt và vỏ quả: Sơn tra, Sơn thù du...
- Lá: Tang diệp, Tô diệp, Liên diệp, Trúc diệp...
- Thân và lá: ích mẫu, Bồ công anh, Lạc tiên, Sài đất, Ngải cứu...
- Vỏ cây: Quế, Núc nác, Ngũ gia bì, Hoàng bá...
- Củ: Sinh địa, Hà thủ ô, Hoài sơn...
- Rễ: Ngưu tất, Tục đoạn, Ngọc trúc, Uất kim...
- Vỏ rễ: Địa cốt bì, Sài hồ nam, ...
- Nhân hạt: Binh lang, đào nhân, Hạnh nhân...
- Vỏ quả: Thạch lựu bì, Đại phúc bì, Trần bì, Thanh bì, Anh túc xác...
- Thịt quả: Long nhãn, Toan táo nhục...
- Chất nhựa: Nhũ hương, Một dược, Tùng hương, Lô hội...
- Lõi cây: Thông thảo, ...
- Căn hành: Sinh khương, Cao lương khương, Khương hoàng...
- Thân cây: Tô mộc, Trầm hương...
- Chất đọng trong cây: Thiên trúc hoàng...
2.1.2. Động vật
Bạch cương tàm, Thiền thoái, Nhung hươu, Xương hổ, Qui bản, Miết giáp, Tắc
kè, Thạch sùng, Gấu (hùng đởm), Khỉ, Sơn dương...
2.1.3. Khoáng chất
Thạch cao, Hoạt thạch, Thần sa, Chu sa, Hùng hoàng, Khinh phấn, Phèn chua, Long cốt, Phác tiêu, Mẫu lệ, Đởm phàn, Thạch tín ...
2.1.4. Nước sắc thuốc
Nước mưa, nước máy, nước giếng đạt tiêu chuẩn nước ăn.
Đôi khi, kinh nghiệm dân gian dung môi dùng để sắc thuốc có thể là rượu, đồng tiện
Các dược liệu trước khi sắc cần phải được bào chế đúng phương pháp cổ truyền phù hợp với mục đích điều trị của thầy thuốc, cân đúng liều. Do cấu tạo của mỗi thang thuốc khác nhau, liều lượng mỗi vị thuốc khác nhau, nên phương pháp sắc thuốc cũng có một số kỹ thuật cần chú ý.
3. Kỹ thuật sắc thuốc
3.1 - Định nghĩa
Sắc thuốc là đun sôi nhẹ nhàng và đều lửa giữa dược liệu và dung môi trong một thời gian nhất định.
3.2 - Dụng cụ sắc
Dùng tốt nhất là nồi đất, ấm nhôm hoặc men có dung tích từ 1,5 đến 2 lít; nồi sứ sắc thuốc bằng điện.
Sắc thuốc tốt nhất là bằng củi không độc, than củi hoặc bằng than, điện.
3.3. Cách sắc
Sắc nhiều thang cùng một lúc cần phải xây lò than, các siêu thuốc được đặt trên một tấm gang dày hoặc trên một lớp cát dày từ 10 - 15 cm, để tận dụng sức nóng.
Khi sắc cần theo đúng nguyên tắc sau
3.3.1. Sắc nhanh
Mục đích là giữ lấy khí của thuốc, giữ lấy tinh dầu và một số chất dễ hoà tan trong dược liệu.
Cách sắc: Đổ nước vừa đủ ngập dược liệu, đun to lửa sôi độ 30 phút. Sắc một lần.
Áp dụng:Các thang thuốc giải cảm, thang thuốc chứa tinh dầu.
3.3.2. Sắc chậm
Áp dụng: Cho các loại thuốc bổ.
Mục đích: Là cần lấy vị của thuốc, nên phải dùng nhỏ lửa, sắc chậm để hoạt chất có đủ thời gian hoà tan vào thuốc sắc.
Cách sắc: Đổ nước ngập dược liệu khoảng 5 cm, đun âm ỉ khoảng 2 - 3 giờ; chắt lấy nước sắc, sắc độ 2 - 3 lần như vậy. Tập trung nước sắc của các lần rồi cô lại còn khoảng 200 - 250 ml chia cho người bệnh uống 3 lần/ 24 giờ.
3.3.3. Quá trình chuẩn bị và sắc thuốc cần chú ý
* Các loại thuốc thơm vì tinh dầu cần giữ khí, lên khi sắc cho vào sau trước khi thôi sắc (Bạc hà, Kinh giới, Tía tô...). Câu đằng nên cho vào sau để khỏi mất hoạt chất.
* Các loại Kim thạch (Thạch cao, Đại giả thạch, Thạch quyết minh...thì phải tán nhỏ ra rồi mới sắc chung với thuốc).
* Các hoá chất, các cao động vật dễ tan: A giao, Cao Ban long, Phác tiêu... cho vào khi sắc được rồi lúc còn nóng, khuâý tan để uống.
* Các dược liệu quí hoặc không chịu được nhiệt độ như Nhân sâm, Quế, Tam thất... hãm riêng rồi gạn lấy nước hoặc mài hay tán bột trộn với nước sắc để uống (Xung phục).
* Ma hoàng phải sắc trước, bỏ bọt, sau mới cho thuốc khác vào để sắc (Ma hoàng thang).
* Đối với thuốc Nam có nhiều lá và cành nhỏ chỉ cần sắc một lần trong 1- 2 giờ, lọc rồi cô lại. Nhưng với rễ cứng và cành to thì vẫn nên sắc 2 lần.
* Đối với phiến cứng nên đập dập thuốc và ngâm trước 1/2 giờ rồi mới sắc thì thời gian sắc nhanh hơn và hoạt chất tan vào nước sắc được nhiều hơn.
* Khi sắc nước 2 , nước 3 thì nên cho nước nóng vào để việc chiết hoạt chất được tốt hơn.
* Đối với thang thuốc trẻ em, dùng liều nhỏ hơn; số lượng nước thuốc lấy độ 1/2 hay 1/3 của người lớn.
4. Trách nhiệm của người kê đơn
- Phải ghi tên, tuổi, giới, địa chỉ của người bệnh.
- Tên bệnh.
- Tên thuốc và số lượng của từng vị thuốc tính bằng gam. (vị chủ trị ghi trước, hoặc vị trong bài thuốc cổ phương ghi trước kèm vị gia giảm, hỗ trợ ghi sau).
- Tên thuốc phải là ghi rõ ràng theo tên đã qui định trong các văn bản chính thức.
- Số lượng (và đơn vị tính) thuốc độc và số thang có thuốc độc bảng A phải viết bằng chữ.
- Hướng dẫn rõ ràng cách sắc (trước hay sau, sắc riêng, cần tán bột hay không?...) của từng vị thuốc, từng thang thuốc (thuốc cảm hay thuốc bổ). Sắc mấy nước, lượng nước cho vào và lấy ra bao nhiêu nước sắc, khi sắc đun to lửa hay nhỏ lửa.
- Hướng dẫn rõ ràng cách dùng cho người bệnh: trước - sau - trong khi ăn hoặc khi nào khác với liều lượng bao nhiêu?. Uống hay xoa bóp...
- Ghi rõ kiêng kỵ vào cuối đơn.
5. Ưu điểm và nhược điểm của thuốc sắc
5.1. Ưu điểm
- Thuốc thang được dùng rộng rãi trong việc phòng và trị bệnh, do đó việc sử dụng thuốc đã được đại bộ phận dân chúng biết.
- Đóng gói từng thang thuốc đơn giản khi cân. Việc phân liều uống trong ngày dễ thực hiện. Thuốc là chất lỏng có tác dụng nhanh.
- Sử dụng một ngày được một liều lượng theo ý muốn, trong khi sử dụng dạng thuốc cổ truyền khác khó thực hiện được.
5.2. Nhược điểm
- Khó che mùi vị khó chịu của một số vị thuốc.
- Phải dùng lửa để sắc, do đó phải mất nhiều thời gian theo dõi sắc thuốc và dùng không thật tiện lợi bằng một số dạng thuốc khác như thuốc bột, thuốc viên...
- Chuyên chở cồng kềnh. Người bệnh tiêu tốn số dược liệu nhiều hơn sử dụng các dạng thuốc khác.
- Uống liên tục nhiều ngày, người bệnh có cảm giác sợ sệt hoặc ngại sử dụng.
- Thường dùng cho cá nhân; do đó gặp phiền hà trong bào chế
6. Cách uống thuốc thang
Tuỳ theo bệnh và theo tính chất của thang thuốc mà việc uống thuốc có thể khác nhau.
Cách uống 1: Nước 1 uống riêng, nước 2 -3 phối hợp lại rồi chia 2 lần uống.
Cách uống 2: Phối hợp nước 1, 2, 3 rồi chia làm 3 lần uống trong ngày.
* Uống thuốc nóng hay nguội: Thuốc nóng thì dễ hoà tan; khi nguôi sẽ tủa cùng các chất nhầy, tinh bột.
Bệnh thể hàn như: Cảm mạo phong hàn, hàn nhâph lý, phong tê thấp thể hàn... cần phải uống nóng để tăng sức phát hãn, tăng phát khí vị để lưu thông khí huyết.
Bệnh thuộc thể nhiệt: Cảm mạo phong nhiệt, dị ứng do nhiệt, nhiệt tý có thể uống hơi ấm hoặc nguội.
* Uống thuốc no hay đói: Không nên uống lúc no quá hay đói quá; vì nó quá sẽ cản trở hấp thu, lúc đói quá thường đưa lại cảm giác cồn cào, buồn nôn...
Thuốc tả hạ, trục thuỷ, trừ trùng tích nên uống khi đói.
Thuốc thanh nhiệt, dị ứng, kích thích tiêu hoá thường uống trước bữa ăn độ 1 giờ - 1giờ 30 phút.
Thuốc bổ thường uống sau bữa ăn 1 giờ 30 phút. Nói chung các loại thuốc thường dùng sau bữa ăn độ 1 h 30 phút - 2 giờ
7. Giới thiệu một số thang thuốc. Thang tiêu độc
Kim ngân hoa ( hoặc cả lá, cành) 20 gam
Sài đất 30 gam
Vòi voi 20 gam
Bồ công anh 20 gam
Kinh giới 16 gam
Ké đầu ngựa 12 gam
Thổ phục linh 12 gam
* Cách sắc: Sắc với 600 ml nước lấy 200 ml.
* Các dùng: Người lớn uống lúc đói chia làm 2 lần. Trẻ em tuỳ theo tuổi mỗi lần uống từ 30 - 50 ml, ngày 2 lần, uống nguội, mỗi lần uống cách xa nhau ít nhất 8 giờ.
* Kiêng kỵ:Trong thời gian dùng thuốc không được ăn thịt gà và thịt lợn (theo )
* Công dụng: Trị các chứng mụn nhọt, mẩn ngứa, rôm sẩy, chốc, dị ứng.
0 nhận xét:
Post a Comment