Home » » CÁC PHƯƠNG PHÁP VÀ KỸ THUẬT BÀO CHẾ, CHẾ BIẾN VỊ THUỐC

CÁC PHƯƠNG PHÁP VÀ KỸ THUẬT BÀO CHẾ, CHẾ BIẾN VỊ THUỐC

Đăng bởi Thai Nguyen on Monday, December 10, 2012 | 8:13 PM

CÁC PHƯƠNG PHÁP VÀ KỸ THUẬT BÀO CHẾ, CHẾ BIẾN VỊ THUỐC


NỘI DUNG
Phương pháp chế biến thuốc cổ truyền rất phong phú và đa dạng; song tựu chung lại có ba phương pháp cơ bản: Phương pháp dùng lửa (hoả chế), dùng nước  (thuỷ chế) và phương pháp kết hợp nước - lửa (thuỷ hoả hợp chế - nhiệt ẩm).
Mục đích chính là bào chế các nguyên liệu thành dạng thuốc phiến (thuốc chín). Thuốc phiến được dùng trong các dạng thuốc thang, thuốc chè (ẩm), thuốc bột (tán), thuốc viên (đan, đơn, hoàn), thuốc cao,  thuốc rượu dùng ít hơn ...
Có 4 loại chính trong bào chế thuốc

A - SƠ CHẾ DƯỢC LIỆU  

Mục đích của phương pháp là chế biến các nguyên liệu ban đầu sau khi thu hoạch nhằm làm sạch sẽ, bỏ những bộ phận phụ, làm khô và tinh khiết, ổn định
hơn và phân loại dược liệu theo tiêu chuẩn kỹ thuật.
1/ LÀM SẠCH DƯỢC LIỆU
* Rửa: Các dược liệu là củ, rễ, hột (củ, rễ phức tạp phải tách nhỏ trước)...cần
rửa sạch trước khi đưa ra bào chế.
Chú ý: không nên ngâm lâu dược liệu vì vị thuốc mất hoạt chất.
Các loại dược liệu như hoa, cành nhỏ hoặc một số dược liệu không rửa được như Bối mẫu thì không nên rửa.
* Sàng, sẩy: Dùng giần sàng để bỏ rác, tạp chất lẫn trong dược liệu (Tử tô, Liên kiều, Màn kinh tử...).
Chải, lau: Dùng bàn chải lông, tre mềm để chải các dược liệu mốc (Hoài sơn, các loại Sâm...), những lông gây ngứa ở thân, lá (ví dụ lá cây Han). Khi chải, lau có thể dùng rượu, nước.
2/ CHỌN LỰA
 Lựa chọn lấy bộ phận dùng (loại bỏ bộ phận phụ) của dược liệu có tác dụng của vị thuốc phù hợp với yêu cầu điều trị.
* Bỏ gốc, mắt: Ma hoàng dùng phát hãn thì dùng thân bỏ rễ, đốt.
* Bỏ rễ con,lông: Do chúng ít tác dụng, lại gây hại, làm nặng và mất cảm quan của thang thuốc (Hoàng liên, Hương phụ, Xương bồ...)
* Bỏ hạch (hột):  Nhằm nhẹ thang thuốc, loại bộ phận không có tác dụng như Sơn tra, Sơn thù du...
* Bỏ màng, vỏ: Nếu chúng không có tác dụng như Sử quân tử, Hạnh nhân, Đào nhân...
* Bỏ lõi ruột: Ví dụ: lõi Mạch môn, Thiên môn, Bách bộ gây chứng " phiền" cần phải bỏ.
 * Bỏ chân, đầu: Nhằm loại phần không có tác dụng, hoặc gây độc hại. Ví dụ: Thiền thoái, Toàn yết cần bỏ chân, răng khi dùng làm thuốc tán, cóc cần bỏ đầu khi chế biến.
3/ LÀM KHÔ SẢN PHẨM
Sau khi sơ chế xong người ta thường phơi hoặc sấy sản phẩm.
Mục đích: Loại bỏ nước đến độ ẩm qui định, an toàn để bảo quản.
3.1. Phơi
Phơi là phương pháp làm khô sản phẩm trong điều kiện tự nhiên như ánh nắng, gió, độ ẩm..
3.1.1. Phơi nắng
Áp dụng cho các vị thuốc không bị tác động, phân huỷ của ánh sáng.
3.1.2. Phơi âm can (khô)
Làm khô sản phẩm ở trong bóng râm dựa vào sự lưu thông không khí, độ ẩm tương đối thấp. Phương pháp này khó khô tuyệt đối đến độ an toàn. Áp dụng cho các vị thuốc có chứa tinh dầu.
3.1.3. Phơi sương
Phơi vị thuốc qua đêm ở ngoài trời do kinh nghiệm gia truyền của một số lương y. Áp dụng cho các vị thuốc như Húng chanh, Bọ mắm...để chữa ho.
3.2. Sấy
Sấy làm khô sản phẩm là phưong pháp dùng nhiệt độ hoặc từ trường làm bẻ gẫy các liên kết giữa nước và sản phẩm như liên kết hoá học liên kết hoá lý hoặc liên kết cơ học.
Hiện nay có một số phương pháp sấy như sau:
+ Sấy nhiệt (sấy dùng nhiệt độ);
+ Sấy bằng dòng điện cao tần từ 500 - 1000hz;
+ Sấy thăng hoa
+ Sấy bức xạ: Dùng bức xạ hồng ngoại làm khô sấy vị thuốc.

B - KỸ THUẬT BÀO CHẾ, CHẾ BIẾN VỊ THUỐC BẰNG HOẢ CHẾ              (PHƯƠNG PHÁP CHẾ BIẾN, BÀO CHẾ CHỈ DÙNG LỬA)

Định nghĩa:  Là phương pháp dùng sự tác động của nhiệt độ khô, trực tiếp hay gián tiếp qua những phụ liệu trung gian nhằm thay đổi tác dụng, tính chất, độc tính của vị thuốc và bảo quản cho vị thuốc.
1 - Mục đích
- Làm tăng tính ấm, giảm tính hàn do đưa nhiệt, phần dương vào vị thuốc;
- Giảm độc tính, giảm tác dụng không mong muốn của vị thuốc;
- Giảm độ bền cơ học của vị thuốc do các chất hữu cơ bị phân huỷ và các liên kết hữu cơ bị phá vỡ; tăng thời gian bảo quản chất lượng thuốc và có thể thay đổi tính chất, làm tăng hiệu lực chữa bệnh của thuốc.
- Ổn định hoạt chất trong vị thuốc;
2- Các phương pháp chế biến.
2.1. Sao (rang).
Định nghĩa: Là phương pháp dùng sự tác động của nhiệt độ khô không quá 250˚C, trực tiếp hay gián tiếp qua những phụ liệu trung gian nhằm thay đổi tác dụng, tính chất, độc tính của vị thuốc và bảo quản cho vị thuốc.
2.1.1.  Sao trực tiếp (sao không thêm chất khác):
Định Nghĩa: Là phương pháp sao mà thuốc được truyền nhiệt trực tiếp qua dụng cụ sao.
+ Sao qua (vi sao): Nhiệt độ sao  không quá  80 °C.
Mục đích: Nhằm làm khô thuốc, thơm thuốc, tránh mối mọt và ổn định thành phần hoạt chất. Ví dụ: Hoa hoè sao qua; Độc hoạt, Cam thảo, Bách bộ, Hoàng đằng phiến, Hoàng liên phiến, Kim ngân hoa, Mạch môn, Phá cố chỉ, Trần bì phiến, Tam thất phiến, Tử tô, Tỳ giải phiến, Xích thược phiến, Cóc mẳn, Côn bố.. phiến, hoàng liên phiến, kim ngân hoa, Mạch môn, phá cố chỉ, trần bì phiến, tam thất p
+ Sao vàng (hoàng sao): Nhiệt độ sao khoảng 100 - 150 °C, thời gian sao lâu, nhỏ lửa. Để tăng sức nóng thấm sâu vào ruột mà không cháy cạnh cần làm ẩm thuốc trước khi đem sao ( Ý dĩ, Đậu đen...) . Thuốc mặt ngoài có màu vàng, trong ruột có màu nguyên liệu; khô giòn, mùi thơm.
Mục đích: Sao vàng nhằm vỏ ngoài thuốc có màu vàng, tăng tác dụng quy tỳ, tăng mùi thơm và tăng tính ấm,  mà giảm tính hàn của thuốc .
Thực chất, sao vàng sẽ giúp phần nào một số hợp chất có phân tử lớn bị bẻ gãy
thành những phân tử nhỏ hơn, dễ hấp thu hơn và có tác dụng hiệp đồng mạnh hơn. Hơn nữa những chất nhầy, pectin sẽ bị biến tính dễ hoà tan trong môi trường có nước. Vì vậy, đa số dược liệu có tác dụng mạnh hơn sau khi được sao vàng. 
 Ví dụ: Bá tử nhân, Hoài sơn, Ý dĩ, Bạch giới tử, Bạch truật phiến; Bạch biển đậu, Cốc nha, Cát cánh, Đảng sâm phiến, Đào nhân, Hạnh nhân, Hoè hoa, Khiếm thực, Mạch nha, Mẫu đơn bì phiến, Ô dược phiến, Sa sâm phiến, Sơn tra phiến, Thương truật phiến, Tri mẫu phiến, Cóc mẳn, Cúc hoa, Trữ ma căn, Sài hồ, Cúc tần.
+ Sao vàng hạ thổ: Sao vàng rồi đổ thuốc xuống hố đất đã chuẩn bị trước lót vải hoặc giấy bản rồi đậy vung lại từ 10 - 30 phút. Đây thực chất là phương pháp hạ nhanh nhiệt độ, tránh ảnh hưởng tiếp theo của nhiệt độ.
Mục đích: Nhằm cân bằng âm - dương cho vị thuốc (hạ bớt tính dương, tăng thêm tính âm ); thuốc khô dễ bảo quản; vị thuốc có mùi thơm để nhập tỳ và không buồn nôn.
Theo y học hiện đại: Quá trình sao vàng làm gia tăng sức căng bề mặt của dược liệu. Khi sức căng lớn, hạ thổ sẽ gặp hơi lạnh gây ran nứt bề mặt dược liệu. Nhờ đó, hoạt chất dễ thoát ra ngoài hơn trong quá trình sắc thuốc.
Ví dụ: Lá Tường vi, lá Vọng cách, Đậu đen,ấài hồ....
+ Sao vàng sém (cháy) cạnh: Sao lửa to, chảo nóng mới bỏ thuốc vào, đảo không cần nhanh. Thuốc chỉ cần vỏ ngoài màu vàng, mép phiến sém cạnh đen cháy; mùi thơm cháy nhẹ. Áp dụng cho vị thuốc chua, chát, tanh và các vị thuốc Trữ ma căn, Cúc hoa..
Mục đích: Nhằm giảm mùi vị khó chịu, tăng mùi thơm mà vẫn đảm bảo chất lượng thuốc.  Ví dụ: Thường sao Thần khúc, Chỉ thực, Chỉ xác, Thăng ma, ...
+  Sao đen (hắc sao, sao tồn tính): Nhiệt độ sao khoảng 190 - 220 °C. Lửa to già mới cho thuốc vào chảo, đảo đều. Sản phẩm bề mặt ngoài có màu đen, bên trong có màu vàng. Chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong và bên ngoài khoảng 50 - 60 °C.
Mục đích: Tăng tác dụng tiêu thực, cầm tả, chỉ huyết, giảm tính mãnh liệt của vị thuốc. (Hương phụ, Toan táo nhân, địa du, ba đậu, Bạch thược, Hoàng kỳ phiến, Hồng hoa, Thương nhĩ tử, Mẫu đơn bì phiến, Bạch giới tử...).  Sơn tra sao đen có tác dụng tiêu thực tích;
Ví dụ: Ba đậu sao đen mảnh hạt màu đen, khi bóp mạnh thấy còn dầu.
Bạch thược sao đen: Có màu đen lẫn vài phiến màu vàng đậm, mùi thơm cháy, khô giòn.
Hoàng cầm phiến sao đen: Phiến màu đen, bên trong màu nâu
- Binh lang sao tồn tính tăng cường tác dụng tiêu tích;
+ Sao cháy ( thán sao): Nhiệt độ sao khoảng 200 - 240 °C. Lửa to già mới cho thuốc vào chảo, đảo đều  đến khi khói lên nhiều, mang ra và úp vung lại để nguội.  Sản phẩm mặt ngoài có màu đen, bên trong màu nâu đen. Chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong và bên ngoài khoảng 20 - 30 °C.
Ví dụ: Chi tử, Đan sâm phiến, Hoè hoa, Kinh giới tuệ, Sơn tra phiến...
Mục đích: Để vị thuốc có vị đắng, nhằm tăng tác dụng chỉ huyết (Trắc bách diệp, Sinh khương, Hoa hoè...) và dẫn thuốc vào tâm.
Sơn tra thán sao tăng cường thu liễm, chỉ huyết lỵ. Binh lang thán sao trị bệnh tả, lỵ huyết; Cốc nha sao cháy tiêu thực hóa tích; Chỉ thực sao cháy để chỉ huyết nhất là xuất huyết đường tiêu hóa; Đan sâm thán sao vừa chỉ huyết vừa hoạt huyết;
 Chú ý khi sao cháy: Dược liệu phải to đều, phải thực hiện mục tiêu là sao thuốc chứ không phải đốt thuốc.
2.1.2. Sao gián tiếp (sao có thêm chất khác )
Định nghĩa: Là phương pháp sao mà vị thuốc được truyền nhiệt đều và sâu qua phụ liệu trung gian như Cám gạo, bột Hoạt thạch, bột Văn cáp, Cát... .
Các phụ liệu này đều có khả năng giữ nhiệt cao: Cát (300°C), bột Văn cáp      (250°C), bột Hoạt thạch (200 - 220°C).
+ Sao cách cám: Với mục đích để tăng tác dụng kiện tỳ, hoà vị của vị thuốc; để sản phẩm có màu vàng và vị thơm của cám ( Bạch truật, Bạch biển đậu, Cốc nha, Đào nhân, Địa cốt bì, Hoài sơn phiến, Ô dược phiến, Mạch nha, Tri mẫu phiến, );
giảm độ bay của tinh dầu (Chỉ thực, Trần bì,...).
Phương pháp này hầu hết áp dụng cho những vị có tác dụng kịên tỳ vị như Bạch truật, Thương truật, Cốc nha, Hoài sơn, Cam thảo, Cát căn....  Chỉ xác chế cám có tác dụng hòa vị, tiêu tích trướng.; Chỉ thực sao cám để tiêu tích bĩ báng; Cốc nha sao cám kiện tỳ, tiêu thực; 
+ Sao cách cát: Sao dược liệu với cát mịn,sạch và nóng với ngọn lửa to dần, đảo đều tay đến khi được thuốc thì đổ ra sàng để sàng lấy thuốc.
Mục đích làm cho dược liệu có bề mặt lồi lõm khô cứng sẽ có màu vàng, phồng đều, không cháy (Xuyên sơn giáp..), giảm độc tính (Mã tiền...)
+  Sao cách gạo: Tăng tác dụng kiện tỳ và giảm tính khô táo của thuốc.
+ Sao cách Hoạt thạch, Văn cáp (bột vỏ hến, sò):  Nhiệt độ sao khoảng 200 - 250°C . Áp dụng cho các dược liệu dẻo dính như A giao, Nhũ hương, Một dược, một số loại cao ... khỏi dính vào nhau hoặc bớt mùi tanh khét (lông nhím).
Ngoài ra còn một số phụ liệu trung gian khác như: Câu kỷ tử  sao, Thỏ ty tử;  Bạch thược sao đất; Cát căn sao muối...
2.2. Nung:
Định nghĩa: Nung là phương pháp sử dụng nhiệt độ cao (có thể trên 1000°C), nhiệt lượng lớn, thời gian dài nhằm phá vỡ cấu trúc của thuốc, vô cơ hoá thuốc tạo ra CaCO3; Ca3(PO4)2 hoặc loại bỏ nước (Thạch cao)
+ Dược liệu áp dụng: Khoáng vật, xương động vận rắn như: Đá kẽm, Phèn chua, Thạch tín, Gạc hươu nai, vỏ Hà, vỏ Hầu., Than hoạt..
+ Mục đích: Làm cho dược liệu bở, tơi, xốp dễ tán mịn, hoặc làm tinh khiết dược liệu.
+ Có 3 cách nung: - Trực tiếp (Mẫu lệ, Thạch quyết minh, Thạch cao)
- Gián tiếp (đá Kẽm, Phèn chua...)
- Thăng hoa (tinh khiết dược liệu: Thạch tín, Mai hoa băng phiến, Long não...)
- Ngoài ra còn nung thán như Bạch mao căn nung thán chữa niệu huyết
2.3. Đốt rượu, cồn:
Áp dụng cho những dược liệu không chịu được sức nóng cao như Nhung hươu, Nhung  nai...
Mục đích: làm sạch lông, không cháy xém, tạo mùi thơm, giảm mùi tanh  và tăng thời gian bảo quản.
2.4. Lùi (ổi)
Định nghĩa: Là phưong pháp đưa thuốc trực tiếp hoặc gián tiếp (qua bọc giấy, cám...) vào tro nóng không bén lửa đến khi chín dược liệu hoặc khô vật liệu trung gian. (Ổi khương, Cam thảo...).
Mục đích: Rút bớt một phần dầu để giảm bớt tính kích ứng của vị thuốc
2.5. Sấy (Bồi)  
- Dùng lửa nhỏ để sấy dược liệu cho khô ráo, hơi vàng giòn là được (Thuỷ điệt, Manh trùng...)
- Đặc biệt: Đan sâm trộn miết huyết, sấy; đan sâm trộn tiết lợn; phơi hoặc sấy
2.6. Hoả phi
Định nghĩa: Là phương pháp sao trực tiếp các dược liệu là khoáng chất ngậm nước nhằm thay đổi cấu trúc phân tử , thay đổi tính chất của thuốc (hút nước, săn se).  Áp dụng các khoáng chất như Phèn chua chế thành Phèn phi.
2.7. Hơ
 Dùng lửa nhỏ để hơ dược liệu cho khô ráo đến vàng ròn là được. Đôi khi chỉ hơ nóng để chườm vào nơi bị chấn thương.
2.8: Nướng
Nếu nướng không tẩm phụ liệu chỉ nhằm mục đích chín thuốc và giảm tính mãnh liệt của thuốc như cát căn,
2.9  Chế sương
Định nghĩa: Chế sương là phương pháp nung kín nhằm tinh khiết thuốc thành
bột mịn (Phê sương). Ngày nay phương pháo này ít dùng.
Cách làm: Cho dược liệu vào cái bát rộng miệng (Thạch tín, Thuỷ ngân, Hùng hoàng, Thư hoàng v.v..9 thwr tới > 1000my. tẩy ranol ()chất trong nhóm alcaloid ()t có cấu tạo ester nhau sẽ bị phân huỷ ở mức độ khác nhau; men sin), úp cái bát khác nhỏ hơn lên phía trên, trát kín hai bát. Đốt lửa ở phía dưới bát to, các tinh thể sẽ thăng hoa và kết tinh bám vào lòng bát phía trên. Sau khi nguội, bỏ ra cạo lấy phấn thuốc.

C/ KỸ THUẬT BÀO CHẾ, CHẾ BIẾN VỊ THUỐC BẰNG THỦY CHẾ    (PHƯƠNG PHÁP BÀO CHẾ, CHẾ BIẾN CHỈ DÙNG NƯỚC)

Định nghĩa: Thuỷ chế là phương pháp chế biến mà sử dụng sự tác động của nước hoặc  dung dịch phụ liệu ở những mức độ khác nhau (ẩm, ngâm...) trong điều kiện nhiệt độ tự nhiên tác động đến dược liệu tạo ra quá trình hoà tan, thuỷ phân hoặc lên men nhằm đáp ứng những mục đích khác nhau.
Dịch phụ liệu: Nước Cam thảo, nước Đậu đen, nước Vo gạo, nước Phèn chua, nước Muối ăn...
1 - Mục đích
- Giảm độc tính, giảm tác dụng có hại của thuốc tới người bệnh;
- Tăng tác dụng chữa bệnh của vị thuốc (nước Gừng dẫn thuốc vào phế, tỳ, vị; nước cam thảo dẫn thuốc vào 12 đường kinh).
- Giảm tính bền cơ học của vị thuốc, tăng khả năng giải phóng hoạt chất do các tế bào dược liệu bị hút nước và trương nở.
- Làm mềm dược liệu, giúp cho việc phân chia ( thái, bào..) được dễ dàng .
- Định hình và bảo quản thuốc, tránh gây vụn nát thuốc (nước Phèn chua, nước Vôi...làm cứng vị thuốc lên giữ định hình ban đầu ).
- Hạn chế sự phát triển của nấm mốc (nước Muối, nước Phèn chua)
2 - Các phương pháp thuỷ chế
2.1. Tẩy, rửa
* Rửa: Đã trình bày ở phần trên (A - Làm bằng tay)
* Tẩy: Dùng rượu để tẩm hoặc dầm vào vị thuốc từ 5 - 10 phút rồi đưa ra sắc
(Đương qui, Ngưu tất...)
2.2. Ngâm
Định nghĩa: Ngâm là phương pháp dùng nước hoặc dung môi thích hợp đổ ngập vào dược liệu trong một thời gian thích hợp (trên 1 giờ ) ở nhiệt độ thích hợp, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, thu lấy thuốc, loại bỏ dịch ngâm nhằm đạt được mục đích chế biến và điều trị. Khi áp dụng cần cẩn thận tránh làm giảm hoạt chất.
Dung môi: Nước, nước có độ PH cao thấp khác nhau (nước vo gạo, rượu, dấm,...), nước hành..
Nhóm có pH trung tính: Nước Cam thảo, Đậu đen, Đậu xanh, Sinh khương
Nhóm có pH acid: Dấm, nước Phèn chua
Nhóm có pH kiềm: Dịch nước vôi, nước tro bếp
Nhóm có pH thay đổi: Dịch nước vo gạo, đồng tiện. pH thay đổi là do sau vài giờ lên men hoặc bị phân huỷ. Độ pH khác nhau sẽ làm thay đổi độ tan khác nhau của các thành phần khác nhau (alcaloid, coumarin...). Vì vậy, cần chọn dung dịch ngâm thích hợp...
Thường ngày thay dịch ngâm một lần; cần bổ xung chất tan để duy trì nồng độ.
Thời gian Phụ thuộc vào vị thuốc, kích thước hình dáng vị thuốc cho ngấm đều; tính  chất của từng vị thuốc như Phụ tử ngâm đến khi hết vị tê, cay; Bán hạ ngâm đến khi hết nhân trắng đục.
Nhiệt độ: Mùa hè khác mùa đông.
Mục đích: Làm mềm dược liệu để dễ thái, bào ... (Hà thủ ô...), định hình dược liệu, tẩy chất nhựa gây bẩn vị thuốc (Bạch thược...) hoặc làm giảm độc tính và tác dụng không mong muốn của thuốc (Hoàng nàn, Phụ tử, Bán hạ...), tăng tác dụng chữa bệnh của thuốc và để chiết lấy các hoạt chất có tác dụng chữa bệnh trong các dược liệu.
Phương pháp này còn được áp dụng trong việc chế cao thuốc, rượu thuốc, cồn thuốc...
2.3. Ủ
Định nghĩa: Dùng nước hay dung dịch phụ liệu tẩm vào vị thuốc trong thời gian thích hợp (từ vài  giờ đến vài ngày) cho đến khi đạt yêu cầu.
Mục đích: - Tăng tác dụng trị bệnh nhờ tác dụng hiệp đồng giữa thuốc và phụ liệu
Ví dụ: Bán hạ chế với nước Cam thảo, nước gừng để tăng tác dụng chỉ ho, hoá đờm, chống nôn.
- Ủ để lên men: Áp dụng chế Địa hoàng thành Sinh địa, chế Thần khúc, chế Bán hạ khúc.
- Ủ để làm mềm vị thuốc để tiện bào, thái... như Tam thất, Bạch thược...
- Ủ để làm sạch vỏ củ dễ gây kích ứng như Bán hạ sống.
- Ủ cho thơm (gạc nai ủ  Sinh khương) để tẩy mùi.
2.4. Thuỷ phi
Định nghĩa: Thuỷ phi là phương pháp tán thuốc ở trong nước hoặc dung môi thích hợp (rượu chẳng hạn) trong một điều kiện về nhiệt độ, áp suất thích hợp thành dạng bột min.
Mục đích: Thu được bột nhỏ mịn tinh khiết; tránh được bay bụi thuốc và ảnh hưởng tới người bào chế; Chống sự tăng nhiệt độ dễ phân huỷ thuốc thành chất độc trong khi tán do ma sát sinh ra (như Thần sa, Chu sa, Thanh đại, Hoạt thạch, ô long vĩ ...);  tránh hao thuốc; hạn chế kích ứng của dược liệu độc mạnh.
Cách chế: Cho dược liệu vào cối sành, sứ, cho nước vào, nghiền kỹ. Khuấy đều, bớt bỏ tạp chất, gạn lấy dịch nước đục có chứa các hạt thuốc nhỏ mịn. Cho thêm nước, tiếp tục nghiền cắn lắng ở dưới, rồi lại gạn. Làm nhiều lần đến khi thu được toàn bộ thuốc. Bột thu được mang phơi chỗ thích hợp tới khô.
Riêng tẩm Chu sa rồi phơi âm can thì không sao hoặc nướng để tránh độc (thuỷ chế). Ví dụ: Bá tử nhân; Viễn chí, Trúc nhự, Táo nhân, thông thảo, Thiên môn, Thạch xương bồ, Đan bì, Long cốt... để tăng tác dụng trân kinh, trấn tĩnh, an thần...
2.5. Thuỷ bào
Định nghĩa: là phương pháp dùng nước sôi để giảm nhiệt độ xuống 60 - 70°C rồi cho dược liệu vào khuấy đều nhẹ liên tục cho đến khi nguội. Làm liên tục từ 2 - 3 lần.
 Mục đích: Giảm bớt tính mãnh liệt của thuốc (Ngô thù du) hoặc tách vỏ (Hạnh nhân)

D/ KỸ THUẬT BÀO CHẾ, CHẾ BIẾN VỊ THUỐC BẰNG THUỶ HOẢ HỢP CHẾ ( DÙNG LỬA VÀ NƯỚC  - NHIỆT ẨM).

Định nghĩa: Thuỷ hoả hợp chế là phương pháp sử dụng sự tác động của nước hoặc dung môi thích hợp với lửa (trực tiếp hay gián tiếp) ở nhiệt độ cao hơn nhiệt độ tự nhiên (nhiệt ẩm) nhằm thay đổi tính chất của dược liệu.
Mục đích: Để bảo quản, giảm độc tính hoặc để thay đổi tính chất và tăng hiệu lực của thuốc.
 1. Chích
Định nghĩa: Chích là phương pháp tẩm vào vị thuốc một hay nhiều loại dịch phụ liệu thích hợp, ủ đến khi thấm đều thì sao hoặc nướng.
Thời gian tẩm có thể từ 1 - 10 giờ tuỳ theo từng loại dược liệu.
1.1. Mục đích
- Tăng tác dụng điều trị: Bán hạ chích nước Cam thảo tăng tác dụng long đờm, giảm ho; chích với nước gừng để tăng tác dụng chống nôn...
Nướng dược liệu đã tẩm mật hoặc một phụ liệu thích hợp (áp dụng cho chế Cam thảo, Hoàng kỳ...) đến khi thấy mùi thơm và khô.
- Thay đổi tính vị, khuynh hướng tác dụng như: tăng tính ấm, giảm tính hàn, giảm tính ứ trệ của thuốc (dùng Sa nhân, Sinh khương, Rượu).
- Giảm tính táo, tăng tính nhuận của thuốc (dùng dịch nước Vo gạo, nước Cam thảo, Đồng tiện, Mật ong, Sữa...)
- Tăng tác dụng thăng đề của thuốc thì chế với rượu.
- Tăng tác dụng thu liễm thì chế với dấm.
- Tăng tác dụng trầm giáng thì chế với muối.v.v...
Phụ liệu để chích: Nước Gừng, Nước, Cồn, nước Cam thảo, nước Hoàng thổ, v.v.. và từ  50 - 200 ml cho 1 kg dược liệu,  sau khi tẩm rồi phải sao lại cho vàng khô.
1.2. Tẩm sao
Đây là phương pháp bào chế thông dụng trong chế biến thuốc cổ truyền.
Mục đích: Thay đổi tính dược và tác dụng của vị thuốc: từ hàn ra ôn, từ nhiệt ra lương hoặc làm cho vị thuốc dẫn từ trong ra ngoài, từ dưới lên trên và ngược lại hoặc từ độc hoá thuần, từ yếu hoá mạnh và dẫn vào các kinh, các tạng phủ cần đến.  Đây là phép kỳ diệu của bào chế đông dược.
1.2.1. Tẩm rượu sao (tửu chế).
Dùng Rượu trắng (35 - 40°) tẩm, trộn với dược liệu  để 2 - 3 giờ rồi sao vàng. Số lượng dùng từ 50 - 200 ml Rượu cho 1 kg dược liệu.
1.2.2.  Tẩm gừng sao (khương chế).
Gừng tươi rửa sạch, giã dập, cho thêm ít vắt lấy nước để tẩm vào dược liệu khoảng 1 giờ. Sau đó đem dược liệu sao chậm và nhỏ lửa  (50 - 60°C) đến khi thấy thuốc có màu hơi vàng. Sao Tu sâm phải sao cách giấy trên chảo (30 - 40°C). Dùng 50 - 100g gừng tươi vắt lấy 50 - 150 ml nước dịch gừng cho 1 kg dược liệu.
1.2.3.  Tẩm muối sao (Diêm chế).
Cho 5% dung dịch muối nồng độ 20% vào 95% dược liệu, tẩm đều trong vòng 1 - 3 giờ, rồi đem sao lửa nhỏ và chậm đến khi mặt dược liệu vàng già là được.
1.2.4 Tẩm  dấm sao (thanh thố).
Dùng dấm ăn  (dấm thanh mùi chua, thơm, vị hơi ngọt) hoặc Acid axetic 5%. Nếu số lượng dược liệu ít thì tẩm lượng dấm xâm xấp (cỡ 5% lượng dược liệu) độ 1 - 2 giờ rồi sao ráo hơi nước và vàng cạnh. Nếu lượng dược liệu nhiều thì cho tỉ lệ dấm như trên, đảo đều và ủ một đêm rồi đem sao vàng cạnh là được.
1.2.5. Tẩm đồng tiện sao (tiện chế).
Dùng đoạn giữa nước tiểu của trẻ em khoẻ mạnh dưới 5 tuổi tẩm vào dược liệu từ 12 đến 48 giờ. Lượng nước tiểu bằng khoảng 5% dược liệu. Sau đó sao vàng.
1.2.6. Tẩm nước vo gạo (mễ trấp, mễ cam trấp) sao.
Lấy khoảng 5 - 10% nước mới vo gạo đặc so với dược liệu đem tẩm vào dược liệu thái phiến, ủ qua đêm, đem sấy hoặc sao vàng cạnh là được.
1.2.7. Tẩm sữa(nhũ chế).
Pha sữa vừa phải , tẩm dược liệu từ 1 - 2 giờ, rồi đem sao nhỏ lửa cho khô và thơm thuốc. Ít dùng
1.2.8. Tẩm mật hoặc đường sao.
Dùng mật ong, mật mía hoặc nước đường pha loãng hợp lý (một phần kết hợp một phần nước) với nước sôi. Trộn tẩm với dược liệu theo tỉ lệ dược liệu chiếm 90 - 95% từ 2 - 6 giờ cho thấm đều, rồi đem sao vàng cạnh là được. Sao chậm.
1.2.9. Tẩm Hoàng thổ - Bích thổ( Hoàng thổ chế - Bích thổ chế) sao.
Dùng đất sét vàng, đất lòng bếp, đất vách tường cũ, bột vàng quét nhà...cứ 100 gam bột hoặc đất hoà tan trong 1 lít nước đun sôi khuấy đều, lọc lấy phần trong ở giữa, đem tẩm dược liệu theo tỷ lệ 40 - 50% so với dược liệu, để 2 - 3 giờ, sau đem sao vàng.
1.2.10. Tẩm nước Đậu đen sao
Lấy 100 gam Đậu đen cho vào 1 lít nước, đun sôi một giờ, gạn chắt lấy nước, đem tẩm với dược liệu từ 1 - 3 giờ, rồi đem sao. Tỷ lệ nước tẩm là 10 - 20% so với dược liệu.
1.2.11. Tẩm nước Cam thảo sao.
Lấy 100 gam Cam thảo tán thành bột ngâm 1 ngày đêm với nước, gạn chắt lấy
nước, đem tẩm với dược liệu từ 1 - 3 giờ, rồi đem sao. Tỷ lệ nước tẩm là 10 - 20% so với dược liệu.
2. Chưng (đồ)
2.1. Định nghĩa: Chưng là phương pháp chế biến dược liệu bằng cách đung thuốc với nước hoặc dịch phụ liệu bằng cách đun cách thuỷ .
 2.2. Mục đích
 - Chuyển hoá thuốc trong điều kiện nước ở nhiệt độ cao khoảng 100°C.
 - Làm chín vị thuốc để tiện việc bào mỏng, chế thuốc tễ.
 - Thuốc sau khi chưng với Rượu thường thấy ngọt hơn và thơm hơn, thêm sức ôn bổ, giảm tính đắng chát, là mất mùi tanh lợm, giảm bớt tính khí lạnh (Thục địa, Đại hoàng...), giảm tác dụng không mong muốn của thuốc (ví dụ: Hoàng tinh hết ngứa sau khi chưng).
- Thuốc sau khi chưng với Rượu vào tỳ vị dễ bị đồng hoá và dễ được hấp thu hơn, nên chúng có tác dụng bồi dưỡng cơ thể.
- Một số vị thuốc chưng với Rượu bảo quản được lâu hơn.
2.3. Kỹ thuật bào chế
Thuốc cùng dung dịch phụ liệu (nước, rượu) vừa đủ cho vào nồi, đậy kín. Đặt nồi vào trong một thùng hay chảo to có ngập nước nửa nồi, dới đay nồi có lót một miếng gỗ để cóng không sát vào thùng. Lúc đầu đun to lửa để nước trong thùng hoặc chảo sôi, sau đó đun nhỏ lửa cho đến khi đạt tiêu chuẩn. Cần bổ xung dịch phụ liệu vào thuốc và nước ở thùng, chảo bên ngoài.
2.4. Thời gian chưng
- Cổ truyền: Chưng theo phương pháp "Cửu chưng, cửu sái" tức chín lần chưng vào ban đêm đan xen chín lần phơi ban ngày.
- Thông thường hiện nay: Chưng liên tục 3 ngày đêm, phơi (hoặc sấy). Tẩm đến khi hết dịch chưng thì phơi sấy (có màn che chắn ruồi, bụi) đến khô.
Chú ý: Chưng không đủ thời gian thì vị thuốc dễ bị mốc. Nếu chưng đủ thời gian, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật thì vị thuốc thơm, bảo quản được lâu, ít bị mốc mọt. và ngọt hơn do lượng đường tăng lên.
3. Nấu (Đun, chử)
3.1. Định nghĩa:
Nấu là phương pháp đun dược liệu sôi trong một lượng lớn chất lỏng  thích hợp (nước, dầu, dung dịch phụ liệu)  với thời gian nhất định.
Thời gian nấu phụ thuộc vào số lượng của từng loại dược liệu cụ thể.
3.2. Mục đích
- Làm cho dược liệu mềm, dừ, dễ bào chế.
- Giảm tính kích thích (nấu với Nghệ đen) hoặc giảm độc (nấu với Mã tiền) của vị thuốc.
- Làm tăng hiệu quả điều trị (nấu Hà thủ ô, Hoàng tinh).
- Rút hoạt chất của dược liệu như nấu cao...
4. Tôi
4.1. Định nghĩa
Tôi là phương pháp nung vị thuốc ở nhiệt độ cao, rồi nhúng vào nước hay dịch phụ liệu.
 4.2.Mục đích
- Giảm độ bền cơ học của vị thuốc;
- Giảm thành phần hoá học gây tác dụng bất lợi do trong quá trình nung tạo ra. Ví dụ mẫu lệ nung thành CaO, khi hoà tan trong nước tạo thành Ca (OH)2;  tôi trong dấm thì sẽ giảm Ca(OH)2.
Ngoài các phương pháp đã trình bày ở trên, trong phép thuỷ hoả hợp chế còn phương pháp sắc (thuốc thang, cao thuốc), hãm (hãm chè thuốc...), hầm, ,  ...
Các thủ thuật liên quan đến nước như hoà tan (thường là hoá chất) và làm trong dung dịch đã chế biến như hoà tan, ngâm, hầm, sắc....

E/ MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP BÀO CHẾ, CHẾ BIẾN KHÁC

1. Chế khúc (dạng bánh)
Phương pháp dùng dược liệu (thường kèm thêm phần bột mỳ làm kết dính ) đã tán nhỏ trộn với nước, đóng thành bánh rồi sấy khô gọi là thuốc khúc.
Sản phẩm thường có tên khúc đi kèm như Thần khúc, Bán hạ khúc...
Mục đích của phương pháp nhằm sử dụng sự tác động của men (enzym) trong tác dụng chữa bệnh và chuyển hoá
2. Rán dầu
 Định nghĩa: Rán dầu là phương pháp đun thuốc trong dầu sôi (thường dùng là dầu thực vật).
 Mục đích: Hoà tan hoặc phân các chất trong dược liệu có khả năng tan trong dầu nhằm giảm độc tính....
Kỹ thuật chế biến: Đun sôi dầu, cho thuốc vào, đun sôi tiếp tục cho đến khi đạt tiêu chuẩn. Lấy thuốc ra, để cho chảy hết dầu, lấy giấy bản lau khô.
Áp dụng: Mã tiền (hạt) đun trong dầu sôi đến khi có màu vàng cánh gián, vị đắng nhẹ.
 F/ MỘT SỐ VỊ THUỐC ĐƯỢC BÀO CHẾ, CHẾ BIẾN BẰNG NHIỀU PHƯƠNG PHÁP KHÁC NHAU TẠO RA NHỮNG TÁC DỤNG KHÁC NHAU

- Ba kích chế muối tăng quy kinh thận, dùng bổ thận; chế Cam thảo để giảm độc tính (ngứa) của Ba kích
- Bạch thược chế rượu để khử tính hàn và tăng cường dưỡng huyết điều kinh; chế giấm để tăng qui kinh can có tác dụng chỉ thống trong gan xơ hóa hoặc công năng gan trì trệ. Chế hoàng thổ tăng tính kiện tỳ.
- Bạch truật chích mật, sao cám đều kiện tỳ, ích khí; trừ đầy bụng, nôn mửa; sao cháy chỉ huyết đường tiêu hóa.
- Cẩu tích chế với rượu để tán hàn dùng cho phong thấp; chế với muối để mạnh gân cốt.
- Huyền hồ sách dùng sống thiên về hoạt huyết tán máu ứ ở tạng phủ; chế rượu
tăng khả năng hành huyết; chế dấm vừa tăng lý khí lại tăng tác dụng giảm đau.
- Đảng sâm chế mật ong tăng tác dụng bổ trung; sao với gạo để hòa vị kiện tỳ; sao với rượu với Sinh khương để tăng tính ấm cho vị thuốc.
- Đỗ trọng tẩm muối để bổ trị đau lưng, đái són; sao đen trị động thái chảy máu; tẩm rượu sao tác dụng bổ và trị phong thấp.
- Đương qui sống bổ huyết nhuận tràng; chế rượu làm tăng tác dụng hoạt huyết thông kinh; chế thán tăng tác dụng chỉ huyết.
- Hậu phác chế Sinh khương làm tăng tác dụng hành khí, bình suyễn và giảm tính kích cổ họng; đồng thời giúp cho công năng hòa vị của Hậu phác.
- Hoàng bá chế muối gia tăng nhập thận, bổ thận. Chế rượu dùng cho thượng tiêu bị hỏa, đau nhọt, lở miệng; chế thán chỉ huyết.
- Hoàng liên tẩm rượu khí vị dẫn lên thượng tiêu với công năng trừ hỏa của đầu mắt; chế gừng thanh vị nhiệt chống nôn; chế muối thanh đại tràng bàng quang tích nhiệt; chế mật lợn để tả can đởm thực hỏa; chế dấm trị can đởm hư hỏa; chế thán dùng cầm máu.
- Hoàng kỳ trích mật để bổ trung, ích khí, sinh huyết; chế rượu để bổ hư; chế muối bổ thận trị các bệnh băng đới.
-  Hồng hoa Sao tồn tính chứa sang chấn vừa xuất huyết vừa ứ huyết; trích giấm tăng hoạt huyết ở kinh can; trích rượu tăng khả năng phá huyết.
- Hương phụ chế giấm tăng lý khí nhập kinh can, chỉ thống; chế thán chỉ huyết; chế rượu thông kinh lạc; chế muối tăng nhập huyết làm nhuận; chế gừng hóa đờm.
- Xa tiền tử chế muối tăng lợi tiểu; chế rượu tăng tác dụng bổ, sinh tinh.
- Ngải cứu dùng sống ôn kinh thông lạc; sao chế làm dịu co bóp tử cung an thai; chế dấm thu liễm, chỉ thống; sao cháy tán hàn, chỉ huyết; chữa chảy máu nội tạng.
- Ngô thù chế Cam thảo để giải độc; trích nước Hoàng liên để chỉ nôn; chế muối để trị sán thống; chế Sinh khương để chỉ thống; chế dấm để thư can giảm đau; chế rượu để chữa tâm phúc khí trệ.
- Ngũ vị tử chế rượu bổ thận; chế dấm liễm phế; chế Mật ong nhuận phế.
- Ngưu tất chế muối tăng khả năng vào thận, mạnh gân cốt; chế rượu tăng thông kinh hoạt lạc.
- Sài hồ sao chế giảm bớt tính phát tán; chế giấm tăng tính thư can, hoạt huyết, giảm đau; chế Miết huyết để dưỡng âm, hạ sốt.
- Tam lăng sao cám để giảm tính mãnh liệt của vị thuốc; chế rượu tăng khả năng hành khí; chế giấm tăng tác dụng tiêu ứ giảm đau.
- Thanh bì chế dấm vào can để giảm đau;  Trần bì sao chế để hào vị hòa hoãn.
- Thăng ma chế mật tăng cường nhuận phế chỉ ho; chế thán chỉ huyết lỵ; chế rượu có tác dụng thăng đề.
- Thiên môn chế Chu sa để ninh tâm, an thần; chế Mật ong tăng nhuận phế chỉ ho
- Thương truật chế hoàng thổ, cám để bớt tinh dầu, giảm bớt tính táo; sao cháy để ôn tỳ, trừ thấp, chỉ tả.
- Trúc nhự chế Sinh khương để tăng tác dụng hóa đờm, chế Chu sa để an thần dùng khi bị phong đờm.
- Viễn chí chế Chu sa để an thần; chế mật để nhuận phế chỉ ho; sao cháy để chỉ huyết ; chế cam thảo để điều hòa, giải độc, kích ứng.
- Xích thược tẩm giấm trị kinh bế, tăng hoạt huyết giảm đau; chế rượu trị xuất huyết.
- Ý dĩ dùng sống lợi niệu trừ mủ; sao chế kiện tỳ, lợi thấp, chỉ tả.
Chia sẻ bài viết này cho bạn bè :

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Support : Hotline: 0972.874.772 | Dược liệu | Free logos design| Free Vectors
Copyright © 2013. Dược liệu - All Rights Reserved
Thiết kế bởiTNT Chia sẻ Thái Nguyễn
Nền tảng phát triển Blogger