KHỈ
Tại Việt Nam có 5 loài khỉ, nhưng phổ biến nhất là: Khỉ vàng, khỉ nước, khỉ mặt đỏ, khỉ mốc, khỉ đuôi lợn.
Khỉ vàng - Macaca mulatta Zimmermann.
Khỉ nước - M. fascularis Wroughton
Khỉ mặt đỏ - M. arctoides Geoffoy
Khỉ mốc - M. assamensis M' Clelland
Khỉ đuôi lợn - M. nemestrina L.
Họ khỉ - Cercopithecidae
Khỉ vàng
Tên khoa học: Macaca muultatta Zimmermann
Họ Khỉ - Cercopithecidae
Khỉ vàng có kích cỡ trung bình, thân dài 40 - 50 cm, nặng 5 - 7 kg. Đầu nhỏ, cổ ngắn, mắt sâu, mũi hẹp, mặt ít lông, có hai túi má dùng để chứa thức ăn tạm thời trước khi nhai kỹ và nuốt. Có 32 răng. Đuôi dài bằng nửa thân, hai chai mông lớn, màu đỏ, là phần da chai dày không có lông, hoá sừng dùng làm cái đệm khi ngồi. Bộ lông ngắn và dày, màu vàng nâu, lưng hơi xám, mông và gốc đuôi vàng hung hay nâu đỏ, bụng trắng ngà. Chúng sống trên cây, có chân, tay phát triển thích nghi để cầm, nắm, có ngón tay cái chụm lại được với các ngón tay khác.
Khỉ nước
Tên khác: Khỉ đuôi dài, khỉ cá, khỉ nước.
Tên khoa học: Macca fascularis Wroughton
Họ khỉ - Cercopithecidae
Khỉ nước là một loại thú có kích cỡ trung bình, thân dài 50 - 55 cm, nặng khoảng 5 - 8 kg. Đầu, cổ, mắt, mũi, mặt giống khỉ vàng. Đuôi dài bằng thân. Lông màu sáng nhạt, bụng trắng. Các loài khỉ còn lại là:
- Khỉ mặt đỏ hay khỉ cộc, khỉ đen.
Tên khoa học: Macaca arctoides Geofroy.
- Khỉ xám hay khỉ mốc
Tên khoa học: Macaca assamensis M' Clelland
- Khỉ đuôi lợn
Tên khoa học: Macaca nemestrina L.
Họ khỉ - Cercopithecidae
Phân bố và nuôi khỉ
Phân bố
Ở nước ta khỉ vàng và khỉ mốc có từ bắc đến nam Trung bộ và các đảo lớn, vùng biển Đông Bắc (Cát Bà, Bản Sen...), ở nơi rừng thưa, có núi đá gần sông, suối và nương rẫy. Khỉ mốc ở miền Nam trong các rừng gỗ nguyên sinh và thứ sinh, rừng ngập mặn ven biển.
Khỉ vàng và khỉ mốc sống thành từng đàn từ vài chục con đến vài trăm con, ở một khu vực nhất định, có một con đầu đàn chỉ huy. Chúng hoạt động vào sáng sớm và chiều mát, kiếm ăn ngay cả trên cây và ở dưới đất. Thức ăn của khỉ vàng chủ yếu là cây cỏ như: chồi lá non, quả, hạt, măng, củ, đôi khi chúng ăn cả cào cào, châu chấu, cá, ốc, trứng chim. Chúng đến nương rẫy để ăn, lấy ngô, các cây hoa màu và các cây lương thực khác. Khỉ mốc ăn tôm, cá, cua ở bãi biển và động vật thân mềm ở ven suối.
Trên thế giới khỉ vàng và khỉ mốc được phân bố ở nhiều nước châu Á từ Ấn Độ đến Việt Nam, Lào, Campuchia.
Nuôi khỉ
Khỉ vàng đã được nuôi ở trại khỉ Đảo Rêu (Quảng Ninh) để xuất khẩu. Khỉ vàng còn được nuôi làm cảnh ở vườn thú và rạp xiếc. Ở nước ngoài người ta còn nuôi, luyện khỉ trèo cây để lấy quả dừa.
Bộ phận dùng
- Thịt và xương khỉ
- Xuơng khỉ (hầu cốt)
- Mật (hầu đởm)
- Sỏi mật còn gọi là hầu đan, hầu tử táo (hầu táo)
- Huyết lình (máu của khỉ chảy ra khi đẻ), ngày nay người ta ít dùng.
Chế biến
Phương pháp chế cao khỉ
Cao khỉ toàn tính: Lấy thịt và xương khỉ chặt thành từng miếng nhỏ, rồi nấu như nấu cao xương. Thường phối hợp thêm các bị thuốc cay như địa liền, hồi hương, thiên niên kiện cho đỡ tanh; hoặc đương qui, xuyên khung làm tăng thêm tác dụng và làm cho cao có mùi thơm dễ uống. Cao toàn tính khó bảo quản, dễ bị hư hỏng.
Phương pháp lấy huyết lình
Mặc dầu hiện nay nhân dân ít dùng huyết lình, nhưng trong chương trình này chúng tôi vẫn giới thiệu cho học viên biết phương pháp lấy huyết lình.
Các vùng miền núi cao, vào mùa tháng 5-6 khỉ đẻ, người ta đến những mỏm đã là nơi khỉ hay ngồi sau khi đẻ, cạo lấy những mảng huyết đọng lại khô đen. Đem về, bẻ thành từng miếng nhỏ, loại bỏ tạp chất, rác rưởi, phơi nắng hay sấy khô, cho vào lọ sạch, bảo quản nơi khô ráo. Khi dùng mới tán thành bột.
Tại các chợ Hà Giang, Lai Châu, Hoà Bình có bán huyết lình dưới dạng những cục nhỏ bằng đầu ngón tay, màu đen như cà phê.
Phương pháp lấy sỏi mật khỉ
Khi mổ khỉ, nắn túi mật và ống mật, nếu thấy có vật cứng rắn thì vạch ngay ra lấy sỏi; nếu để lâu thì dịch mật ngấm vào làm cho sỏi mật bị đen, kém phẩm chất. Dùng gạc hay vải mềm sạch lau hết màng nhầy rồi bọc bằng bông hay giấy bản, cho vào hộp kín có chất hút ẩm để bảo quản.
Thành phần hoá học
Ít thấy tài liệu nghiên cứu, gần đây mới có tài liệu công bố trong cao khỉ có 16,80% nitơ toàn phần, 0,85% acid amin, 1,88% tro, 0,56% clo, 4 phần triệu As, 0,02% Ca, 0,03% phosphat (tính bằng H3PO4).
Mật khỉ vàng và một số khỉ khác chứ acid cholic, a. chenodesoxycholic, a. desoxycholic, a. lithocholic và một số dạng kết hợp của taurin, glycin.
Tác dụng và công dụng
- Thịt khỉ ít được dùng riêng, người ta thường dùng cao toàn tính:
Cao khỉ toàn tính có tác dụng bổ máu, bổ toàn thân, dùng cho những người thiếu máu, xanh xao, gầy yếu, lao lực, mệt mỏi, kém ăn, mất ngủ, đổ mồ hôi trộm, phong thấp. Phụ nữ và người cao tuổi dùng rất tốt.
Liều dùng: Mỗi ngày uống từ 5 - 10 hoặc 20 g. Cách dùng: Cắt cao thành từng miếng mỏng, ngâm rượu, trộn với mật ong hay cho vào cháo nóng hay cho vào miệng ngậm đến khi tan hết.
Tại Trung Quốc thịt khỉ 150 g hầm với độc cước kim cho chín nhừ, ăn nóng trong ngày, chữa tỳ hư, cam nhiệt, biếng ăn, trẻ em hay khóc về đêm. Cứ 4 - 5 ngày ăn một lần.
- Mật khỉ đã khô, mài với nước đun sôi để nguội, uống để trị cảm trẻ em, sốt nóng, da khô. Dùng ngoài, lấy mật khỉ hoà với rượu xoa bóp chữa sưng, đau khi bị ngã...
- Sỏi mật dùng để chữa sốt cao, co giật, ngộ độc, ho hen, phù thũng.
Ngày dùng 0,20-0,30 g dưới dạng thuốc bột. Dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
- Huyết lình: Huyết lình là một vị thuốc quý, dùng làm thuốc bổ cho phụ nữ sau khi sinh nở, cho những người xanh xao, gầy yếu, mới ốm dậy, thiếu máu, trẻ em gầy còm, chậm lớn, biếng ăn.
Liều dùng: Người lớn dùng 3 - 5 g chiêu với nước ấm, hoặc ngâm với rượu để uống.
Trẻ em dùng 1 - 2 g, ăn với cháo nóng vào buổi sáng. Để khử bớt mùi tanh trong huyết lình người ta cho thêm một ít gừng giã nhỏ vào.
- Trong y học hiện đại người ta dùng khỉ sống để thí nghiệm dược lý và đặc biệt quả thận của khỉ vàng là môi trường nuôi cấy virus để chế vaccin, phòng, chống bại liệt của trẻ em.
Đặc biệt tại Trung Quốc người ta dùng bài thuốc: "Cửu ngưu lưỡng hổ thang" gồm có: dương vật của khỉ, phối hợp với dương vật chó mực tuyền, hổ, bò và hải cẩu, luyện với óc thỏ và nhân sâm là thuốc cường dương cực mạnh.
Do khai thác quá mức, cho nên số lượng loài khỉ mặt đỏ, khỉ xám và khỉ đuôi lợn càng ngày càng cạn kiệt, nguy cơ bị tuyệt chủng, do vậy đã đưa vào sách đỏ của Việt Nam.TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ môn dược liệu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0 nhận xét:
Post a Comment