IPECA
Tên khoa học của cây Ipeca: Cephaelis ipecacuanha (Brot) A. Rich. (Uragoga ipecacuanha Bail. = Psychotria ipecacuanha Stockes) thuộc họ cà phê - Rubiaceae.
Đặc điểm thực vật :
Cây Ipeca thuộc thảo, cao khoảng 20-40cm, sống lâu, cây luôn luôn xanh, có rễ gồm rất nhiều đốt ngắn họp thành những vòng như nhẫn quanh lõi rễ, lá mọc đối phiến lá hình bầu dục, lúc đầu có lông, sau nhẵn. Có hai lá kèm dính với nhau lại thành bẹ giữa hai cuống lá. Hoa màu trắng, quả hình trứng khi chín mầu tím sẫm.
Phân bố, trồng hái và chế biến
Cây mọc hoang ở những rừng thưa như vùng nhiệt đới Brazil (đặc biệt có ở tỉnh Mato Grosso và tỉnh Minas Geraes). Vì trước đây nó được xuất qua hải cảng Rio de Janeiro nên trong thương mại còn gọi là "RioIpeca"
Ipeca đã được trồng ở Ấn Độ, Malaysia, nhưng nơi trồng và cung cấp chính vẫn là Brazil.
Trồng bằng hạt hay mẩu rễ. Thường thu hoạch rễ từ cây 3-4 tuổi, có thể thu lấy rễ quanh năm. Rễ đào lên, đem rửa sạch, phơi hay sấy khô,cắt thành từng mẩu rồi đóng váo bao .
Bộ phận dùng
Rễ đã phơi hay sấy khô, dược liệu là những mẩu rế nhỏ, ngòng ngoèo, dài chừng 6-12cm, đường kính 3 - 4cm. Ngoài mặt sùi thành từng ngấn, màu xám đỏ, mùi đặc biệt, buôn nôn, vị hắc, đắng.
Thành phần hóa học
Hàm lượng acaloid của Rio - Ipecacuanha khoảng 2 - 6 % phần lớn tập trung ở tế bào vỏ ngoài của rễ. Alcaloid chính là emetin (khoảng 2/3 tổng số alcaloid) và cephelin (khoảng gần 1/3), còn một lượng nhỏ là psychotrin, O - methylpsychotrin, emetanin và protoemetin, ipecosid.
Ngoài các alcaloid, còn có saponin, tanin và rất ít tinh dầu béo, acid hữu cơ, nhựa, chất vô cơ và có khoảng 30 - 40% tinh bột .
Tác dụng và công dụng
Các alcaloid của Ipeca tác dụng kích thích mạnh trên niêm mạc và da. Uống bột Ipeca với liều lớn gây nôn. Dùng liều nhỏ tăng phản xạ, kích thích niêm mạc dạ dày, phế quản, gây tiết dịch và long đờm, do đó Ipeca được dùng làm thuốc long đờm. Liều dùng 0,01 – 0,2 g bột mỗi ngày, dùng riêng hoặc phối hợp với thuốc phiện. Ipeca làm thuốc gây nôn cho trẻ em và người yếu, người già: vì nó ít gây mệt hơn các thuốc nôn khác; tuy nhiên không nên dùng cho người đau tim và người xơ cứng mạch máu. Dùng liều 1,5 – 2g bột với người lớn, chia làm 2 -3 lần,uống cách nhau 10 phút. Trẻ em dùng 0,1 g cho mỗi tuổi.
Emetin có tác dụng diệt kí sinh trùng lỵ Entamoeba hystolytica và E.coli gây bệnh, do đó dùng emetin để chữa bệnh lỵ amip.
Thường dùng dưới dạng emetin hydroclorid, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp. Liều tối đa 0,08g /lần và 0,1g /24h (mỗi ống uống 1ml = 0,04g)
Ngoài ra, cần chú ý khi tán bột vì bụi bột Ipeca dễ vào mắt gây viêm mắt.
Ghi chú:
Ở một số nước còn dùng rễ cây Cephaelis acuminata Karten (= Uragoga acuminata), cây này có nhiều ở trung Mỹ nhất là ở Bắc Columbia, sau đến Nicaragoa, Costa Rica. Dược liệu này trước đây được xuất cảng qua cảng Cartagena nên còn có tên Cartagena – Ipecacuanha. Hàm lượng alcaloid toàn phần của Cartagena – Ipecacuanha cao hơn Rio – Ipecacuanha một chút nhưng alcaloid chính là cephelin. Trong điều trị người ta hay dùng Rio – Ipecacuanha, nhưng trong công nghiệp sản xuất emetin, Cartagena – Ipecacuanha cũng được dùng nhiều vì cephelin dễ dàng metyl hóa chuyển sang emetin.
Ở nước ta có một số cây thuộc chi Psychotria trong đó có cây mọc ở Sơn La có tên địa phương là hế mọ được dùng để chữa lỵ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ môn dược liệu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0 nhận xét:
Post a Comment