TẢO BẸ
Laminaria
Tảo bẹ thuộc ngành Tảo nâu - Phaeophyta. Một số loài được dùng trong y học: Laminaria saccharina Lam., L.japonica Aresch., họ Tảo bẹ - Laminariaceae.
Đặc diểm thực vật và phân bố
Tảo bẹ có tản dẹt nom như lá, dài 1-15m, rộng 20-50cm, có màu nâu, có bộ phận hình trụ nom như thân và có những móc nom như rễ để bám vào đáy biển. Nói chung tất cả bờ biển của các nước đều có. Ở biển Đông chủ yếu là loài L.japonica Aresch.
Tảo bẹ ở độ sâu 5-6m nên phải dùng cào có cán dài vớt lên phơi khô, loại sạch tạp chất rồi xay thành bột khô.
Thành phần hóa học.
Màu nâu của tảo là do chứa fucoxanthin là một sắc tố carotenoid. Thành phần chủ yếu là laminaran. Laminaran có 2 dạng: một dạng hầu như không tan trong nước lạnh nhưng tan trong nước nóng và một dạng tan được trong nước lạnh. Về cấu trúc hóa học, laminaran là acid alginic (xem phần đại cương). Trong phân tử cũng có mặt của đường D-manitol với tỉ lệ khoảng 2,7% trong dạng laminaran hòa tan và 1,7% trong dạng không hòa tan.
Thành phần của tảo bẹ còn có iod tồn tại dưới dạng iodid và dưới dạng kết hợp hữu cơ. Lượng iod tăng vào mùa hè, giảm về mùa đông và cũng giảm đi nếu để tảo ngoài trời do nước mưa hoặc nước biển hòa tan. Ngoài ra còn có các vitamin A, D... các muối kali, natri, calci (0,02-0,09%) và các thành phần vi lượng Mn, Cu, As, Co, Bo...
Công dụng
Tảo bẹ được dùng làm chất nhuận tràng, điều hòa sự hoạt động đường dạ dày-ruột. Uống 1-2 thìa canh bột thô hòa với nước vào tối trước khi đi ngủ. Tảo bẹ có chứa nhiều loại vitamin. hợp chất có iod và các yếu tố vi lượng nên dùng rất tốt cho những người bị bướu cổ, xơ vữa động mạch, trẻ em còi xương, lao. Dược điển Đông Y Trung Quốc quy định dùng tảo bẹ L.japonica Aresch, để chữa bướu cổ, tràng nhạc... ngoài ra còn có thể dùng các loài tảo mơ - Sargassum thuộc họ tảo mơ (Sargassaceae) với công dụng như tảo bẹ. Các loài thuộc ngành tảo nâu đặc biệt các loài thuộc họ Fucaceae và Laminariaceae có giá trị kinh tế vì đây là nguồn chính để điều chế acid alginic và alginat. Hàng năm trên thế giới tiêu thụ đến hàng nghìn tấn dùng làm chất ổn định, nhũ hóa... trong nhiều ngành kinh tế khác nhau như cao su, sơn, dệt, thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm.www.duoclieu.org
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
0 nhận xét:
Post a Comment