Home » , » LIÊN QUAN GIỮA CẤU TRÚC VÀ TÁC DỤNG CỦA GLYCOSID TIM

LIÊN QUAN GIỮA CẤU TRÚC VÀ TÁC DỤNG CỦA GLYCOSID TIM

Đăng bởi Thai Nguyen on Monday, January 23, 2012 | 12:43 AM

III. LIÊN QUAN GIỮA CẤU TRÚC VÀ TÁC DỤNG

Phần quyết định tác dụng lên tim của glycosid tim là phần aglycon bao gồm nhân steroid và vòng lacton chưa bão hòa. Cả hai phần đều quan trọng:
 - Nếu vẫn giữ vòng lacton nhưng thay nhân steroid bằng nhân benzen, naphtalen… tác dụng lên tim sẽ mất.
 - Nếu vẫn giữ nguyên nhân steroid mà thay đổi vòng lacton như: bão hòa nối đôi, mở vòng, thay vòng lacton bằng vòng lactam thì tác dụng mất hoặc giảm đi rất nhiều.
Sự hấp thu qua dạ dày, tá tràng, ruột, phụ thuộc vào số lượng nhóm OH của phần aglycon, nói cách khác là phụ thuộc vào tính ái dầu của nó. Digitoxin dễ hấp thu qua đường tiêu hóa, tái hấp thu qua thận, gan và có tính tích lũy trong cơ thể vì aglycon (digitoxigenin) chỉ có 2 nhóm OH. Ouabain có nhiều nhóm OH tự do trong phần aglycon nên khó hấp thu qua đường tiêu hóa (nên phải dùng qua đường tiêm tĩnh mạch) và thải trừ nhanh.
Nhóm OH ở C-14 rất quan trọng, thiếu nhóm này tác dụng trên tim sẽ giảm đi rất nhiều.
Nhóm OH ở C-3 hướng α cũng làm giảm tác dụng. Qua quá trình chuyển hóa trong cơ thể, β-OH ở vị trí C-3 bị epimer hóa sang α-OH để thải ra ngoài.
Thí nghiệm trên súc vật cho thấy một số cardenolid khi đưa vào cơ thể sẽ được gắn thêm OH ở C-12 chuyển thành chất có tính phân cực hơn để dễ thải ra ngoài.
Dung hợp giữa các vòng của nhân steroid cũng ảnh hưởng đến tác dụng của glycosid tim: C/D cấu hình cis có tác dụng quyết định lên tim. A/B trans giảm tác dụng 10 lần so với dẫn chất cis tương ứng.
Vòng lacton hướng α cũng giảm tác dụng lên tim.
Ở dạng aglycon, hoạt tính của nhóm bufadienolid mạnh hơn dẫn chất cardenolid tương ứng. Trong hai nhóm cardenolid và bufadienolid thì nhóm đầu được sử dụng nhiều hơn. Nhóm bufadienolid hay gây tác dụng phụ.
Phần đường ít có ảnh hưởng đến tác dụng của glycosid tim, chủ yếu là ảnh hưởng đến độ hòa tan, hấp thu và thải trừ của glycosid tim.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), Bài giảng dược liệu, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), Bài giảng dược liệu, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Chia sẻ bài viết này cho bạn bè :

0 nhận xét:

Post a Comment

 
Support : Hotline: 0972.874.772 | Dược liệu | Free logos design| Free Vectors
Copyright © 2013. Dược liệu - All Rights Reserved
Thiết kế bởiTNT Chia sẻ Thái Nguyễn
Nền tảng phát triển Blogger