GÔM ARABIC
Gummi Arabicum
Gôm arabic là chất tiết ra và để khô từ thân và cành của cây Acacia verek Guill và Perr. (= Acacia senegal (L.) Willd.), họ Trinh Nữ - Minosaceae.
Đặc điểm thực vật và phân bo
Thuộc loại cây nhỡ cao 4-5 m có gai ngắn và cong. Lá kép 2 lần, lông chim, cụm hoa mọc ở nách lá, tràng hoa màu trắng, quả loại đậu thẳng, dẹt, hơi thắt ở khoảng giữa các hạt.
Nơi cung cấp chính trên thị trường thế giới là Xu Đăng, khoảng 40.000 tấn một năm, sau đó đến các vùng Tây và Nam sa mạc Xahara như Moritani, Mali, Xênêgan, Sát rồi đến Nigiêria.
Cách thu hoạch gôm. Người ta thu hoạch gôm ở những cây từ 3 tuổi trở lên, hiệu suất cao ở những cây 5-7 tuổi. Thu hoạch vào mùa khô khi cây đã rụng lá. Gôm tiết ra từ những kẽ nứt tự nhiên, nhưng thường ngưòi ta đẽo vỏ thành từng băng (5 x 50cm) để gôm chảy ra được nhiều. Gôm chảy ra, khô dần, vài ba tuần sau khi bóc vỏ thì bắt đầu lấy gôm, lúc này phần giữa cục gôm vẫn chưa rắn hẳn, qua phơi nắng hoặc qua quá trình chuyên chở gôm mới rắn hoàn toàn. Mỗi cây (5-7 tuổi) cho 500 - 800 gam gôm.
Mô tả dược liệu
Dạng cục tròn không đều, rắn, đường kính trung bình khoảng 2-3 cm màu vàng hay màu nâu, khi khô thì có thể đập vỡ được như thủy tinh, mặt vỡ nhẵn bóng. Các cục nguyên thường có một khoảng rộng ở giữa do quá trình khô tạo ra. Gôm tan trong nước tạo thành dung dịch keo, dính và có độ quay cực.
Thành phần hóa học.
Thành phần chính là polysaccharid thuộc nhóm acid có acid uronic (xem phần đại cương). Muốn định tính acid uronic có thể thực hiện như sau: đun gôm với naphtoresorcinol và acid HCl 1/2 trong vài phút, có tủa nâu tan trong benzen có màu tím. Phần polysaccharid có thể tinh chế bằng cách hòa tan gôm trong dung dịch HCl 0,1N rồi kết tủa bằng cồn, làm nhiều lần như vậy rồi cuối cùng điện thẩm tích. Công thức của gôm arabic là một polysaccharid phân nhánh nhiều.
Ngoài ra trong gôm còn có 3-4% chất vô cơ (Ca, Mg, K) các enzym như oxydase, emulsin.
Kiểm nghiệm.
5g gôm trong 10g nước, để yên trong 15-20 giờ phải tan hoàn toàn cho một dung dịch sánh và acid với giấy quỳ.
Dung dịch gôm 2% đun sôi để nguội, thêm 1 ml dung dịch chì acetat kiềm, có tủa trắng nhưng không tủa bởi dung dịch chì acetat trung tính (khác với gôm adragant).
Hòa tan 0,25g gôm trong 5 ml nước, thêm 0,5 ml nước oxy già loãng và 0,5ml dung dịch benzidin 1% trong cồn, lắc và để yên, sẽ có màu xanh do có mặt của oxydase hoặc dùng cồn gaic thì cũng có màu xanh xuất hiện.
Dung dịch gôm 10% trong nước thì hơi quay trái, các loại gôm của các loài Acacia khác thì quay phải mặt phẳng ánh sáng phân cực.
Không được có phản ứng của tanin và tinh bột.
Độ ẩm không quá 15%.
Độ tro toàn phần không quá 5%
Trong bào chế khoa, gôm arabic được dùng:
Bào chế các nhũ dịch và hỗn dịch.
Bào chế các viên nén làm chất dính và chất làm rã (vì có khả năng nở ra trong nước).
Bao viên, để cho các chất bao dính vào viên.
Bào chế các thuốc phiến, viên tròn, potio, một số kem bôi da.
Gôm arabic làm dịu tại chỗ nơi bị viêm như viêm họng viêm dạ dày.
Gôm arabic còn được dùng trong kỹ nghệ thực phẩm keo dán.
Chú ý rằng thành phần của gôm có calci nên cần tránh những chất có tương kỵ. Trong gôm còn có enzym oxydase nên có thể tạo thành các sản phẩm có màu với aminopyrin, antipyrin, cresol, gaiacol, phenol, tanin thymol, vanillin và một số chất khác. Một số alcaloid cũng bị ảnh hưởng: atropin, apomorphin, cocain, homatropin, hyoscyamin, morphin, physostigmin và scopolamin. Nếu đun dung dịch gôm vài phút ở 100o thì oxydase bị hủy và tránh được sự tương kỵ.
www.duoclieu.org
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
0 nhận xét:
Post a Comment